Cần quản lý chặt chẽ các kỳ thi tuyển sinh riêng của đại học
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, Nghị quyết 29 nêu rõ chủ trương "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Theo đó, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hiện nay nhằm hướng đến đánh giá chính xác kết quả học tập của người học theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, lấy kết quả thi để công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các bên liên quan tham khảo sử dụng cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.
Nghị quyết 29 cũng nêu rõ chủ trương "giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học". Các cơ sở giáo dục đại học được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về các hoạt động của mình, trong đó có việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả.
Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về đề án tổ chức thi và việc triển khai đề án tổ chức thi, quy chế thi, chất lượng đề thi và quy trình tổ chức thi và kết quả thi.
PGS Chương nhấn mạnh, thực tế hiện nay cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị đó để xét tuyển. Chính vì vậy, các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Các trường đại học cần chứng minh năng lực tổ chức kỳ thi riêng
Theo thống kê, hiện nay, ngoài kỳ thi riêng của Bộ Công an, có 8 cơ sở giáo dục đã tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các kỳ thi riêng, gồm: Kỳ thi Đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội; Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM; Kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội;
Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM; Bài kiểm tra đánh giá năng lực TestAS của Trường ĐH Việt Đức; Kỳ thi riêng của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Nhiều trường đại học khác cũng thông báo sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy này để xét tuyển. Năm 2023, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển; gần 90 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong giáo dục ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.
"Theo tôi, trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức. Và Bộ GD&ĐT không nên bỏ vai trò quản lý của mình, tức Bộ phải tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng như vậy", Tiến sĩ Khuyến nói.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy, hiện công tác tại Viện nghiên cứu quốc gia Australia CSIRO (Bộ Khoa học Australia) cũng băn khoăn vấn đề làm thế nào để kiểm soát chất lượng các kỳ thi này.
"Chất lượng kỳ thi sẽ khác nhau giữa các trường, rất khó để quản lý. Nhìn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta đang tổ chức cực kỳ chặt chẽ để tránh gian lận. Nếu bây giờ từng trường tự tổ chức, việc gian lận dễ xảy ra hơn", Tiến sĩ Duy nhận định.
Theo chuyên gia này, giải pháp nên làm nhất hiện nay là vẫn xét tuyển dựa vào điểm tổng kết cấp 3 và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, chúng ta cần làm tốt hơn hiện tại, đặc biệt là đề thi tốt nghiệp THPT phải có tính phân hóa tốt hơn, cụ thể hơn để vừa đánh giá được kết quả tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh đại học.
Với các khoa, ngành đặc biệt, tuyển sinh với số lượng rất nhỏ, yêu cầu chất lượng đầu vào cao, có thể cho thí sinh trải qua thử thách nâng cao hơn theo hình thức viết bài luận, phỏng vấn hay xét các tiêu chí phụ tùy từng trường.
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ MAX Education thì cho rằng, việc tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh thực tế có nhiều mặt tích cực, giúp giảm bớt áp lực về việc học thuộc lòng, về luyện thi, cũng cho các trường một công cụ mới để đánh giá năng lực của thí sinh.
Bên cạnh đó, việc thí sinh có nhiều quyền lựa chọn hơn trong xét tuyển, khi thất bại ở lựa chọn này vẫn còn lựa chọn khác thay thế, nhìn về lâu dài là cơ hội để nhiều bạn trẻ được vào đại học hơn. Điều này cũng đi theo xu hướng vận động chung của nền giáo dục thế giới.
Ông Hiếu cho rằng việc quản lý chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nên chia thành hai vấn đề. Trong đó, vấn đề quản lý về mặt tổ chức kỳ thi sao cho minh bạch, nghiêm túc, không có gian lận, bắt buộc phải có cơ quan quản lý Nhà nước tham gia; về mặt chất lượng nội dung, tức đề thi nên giao cho trường quyền tự chủ.