Bộ Công Thương - Toyota hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng

Thế Đạt| 20/11/2021 12:00

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình tham quan thực tế hai nhà cung cấp của Toyota.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cơ cấu nền kinh tế.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã được đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Nghị định 111/2015/NĐ-CP, Nghị quyết số 115/NQ-CP, hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ ngày càng hoàn thiện, góp phần cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã gia tăng liên tục, có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng dần tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng và giảm dần tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lắp ráp, sản xuất thân và thùng xe ô tô.

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong quá trình phát triển, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô vẫn còn nhiều hạn chế, ví dụ như tỷ lệ nội địa hóa đối với một số dòng xe còn thấp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực, phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là cá phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp,…

Một trong những nguyên nhân chính của các hạn chế này là do yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và doanh nghiệp FDI vượt quá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước. Do đó, Cục Công nghiệp đã phối hợp với Toyota Việt Nam triển khai thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ đào tạo, cải tiến và phát triển các nhà cung ứng tiềm năng trong lĩnh vực ô tô.

Dự án bao gồm 4 hoạt động chính: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; Tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số Chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.

Đại diện Toyota Việt Nam trao đổi với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước
Đại diện Toyota Việt Nam trao đổi với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước

Hoạt động tổ chức đoàn tham quan nhà máy nhà cung cấp thuộc hệ thống các nhà cung ứng của Toyota Việt Nam được đánh giá là một trong những hoạt động tiêu biểu và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Chương trình tham quan ngày 19/11/2021 có sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, với mong muốn có cơ hội quan sát và lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp từ những doanh nghiệp đã thành công tham gia vào chuỗi cung ứng của Toyota.

Trước đó, Toyota Việt Nam đã tham gia hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khu vực miền Bắc và miền Trung theo Chương trình phát triển Nhà cung cấp Việt Nam trong lĩnh vực, ô tô, điện tử, cơ khí được tổ chức tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) vào tháng 7 và tháng 10 năm 2021.

“Theo định hướng của Chính Phủ, Toyota Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam và không ngừng củng cố mạng lưới nhà cung cấp trong nước để phát triển ngành công nghiệp lâu dài”, ông Hiroshi Okamura - Phó Giám đốc Khối Kế hoạch bán hàng & Dịch vụ, Toyota Việt Nam chia sẻ. Ông cũng bày tỏ mong muốn rằng chuyến đi thực tế này sẽ thật sự hữu ích cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước, tạo tiền đề tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Hiroshi Okamura - Phó Giám đốc Khối Kế hoạch bán hàng & Dịch vụ, Toyota Việt Nam
Ông Hiroshi Okamura - Phó Giám đốc Khối Kế hoạch bán hàng & Dịch vụ, Toyota Việt Nam

Những nỗ lực này đã đưa danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 46, trong đó có 6 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 720 sản phẩm các loại.

Thông qua dự án hợp tác với Toyota Việt Nam, Cục Công nghiệp cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả yêu cầu về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường, điều kiện lao động.

Đại diện Cục Công nghiệp, Toyota Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ tham quan nhà máy Công ty Cơ khí HTMP Việt Nam
Đại diện Cục Công nghiệp, Toyota Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ tham quan nhà máy Công ty Cơ khí HTMP Việt Nam
Đại diện Cục Công nghiệp, Toyota Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ tham quan nhà máy Công ty Cơ khí HTMP Việt Nam
Đại diện Cục Công nghiệp, Toyota Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ tham quan nhà máy Công ty Cơ khí HTMP Việt Nam
Đại diện Cục Công nghiệp, Toyota Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ tham quan nhà máy Công ty Cơ khí HTMP Việt Nam
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương - Toyota hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO