Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định "không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện".
Theo ông Hải, có nhiều yếu tố tác động đến giá thành sản xuất điện. Song trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, việc tăng giá điện trong năm nay là không hợp lý.
Về việc có tiếp tục giảm tiếp giá điện để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp nữa không, ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ làm việc cụ thể với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để có phương án cụ thể.
“Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nếu làm được gì chúng tôi sẽ thực hiện, đặc biệt như giá điện giảm được sẽ rất tốt. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đã có 5 lần giảm giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", ông Hải cho biết.
Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực và quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.
Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các quyết định của Thủ tướng và sẽ chỉ đạo đơn vị trong ngành điện theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh điện, biến động phụ tải hệ thống điện cũng như các thông số đầu vào của tất cả các khâu như khâu truyền tải điện, quản lý ngành, để thực hiện giá điện theo đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo quy định.
“Trong thời gian qua, việc thực hiện điều chỉnh giá điện và giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành đã góp phần bảo đảm tài chính cho ngành điện, đảm bảo đầu tư, cũng như phát triển các công trình điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Quang cho hay.
Hoà BìnhẢnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, EVN đã giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.