Sáng 6/5, tại Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an trả lời câu hỏi về đề xuất quy định đấu giá, cấp biển số xe ô tô chống gian lận, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn thích hợp.
"Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp, nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu", Phó Cục trưởng Cục CSGT thông tin.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Dự thảo quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển, đây là điều kiện để tham gia giao thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định.
Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.
Hiện nay việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật vì liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung chứ không riêng luật Trật tự an toàn giao thông. Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa, còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến.
Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng, thì việc này cần có thời gian xem xét. Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số. Điều này phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách.
"Hiện nay, người dân chỉ có một hình thức bấm biển số ngẫu nhiên. Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận", Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.
Liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe đẹp, tại buổi họp báo quý 1/2022 của Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai (Cục phó Bổ trợ Tư pháp) cho biết, biển số xe hiện nay được coi là tài sản công thuộc Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Biển số xe là một đặc thù bởi vừa là tài sản, vừa là công cụ để quản lý nhà nước.
Do đó, đề án về đấu giá biển số xe ô tô đẹp do Bộ Công an đang soạn thảo không có vướng mắc. Nếu coi biển số xe là tài sản công thì bán theo hình thức đấu giá sẽ đúng theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản hiện hành.
Cục phó Bổ trợ Tư pháp cho biết thêm, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng nghị quyết của Quốc hội về đấu giá biển số xe, trong đó sẽ nghiên cứu quyền của người đấu giá được giao đến đâu.
Theo bà Mai, hiện nay, nếu chuyển nhượng biển số xe đấu giá sẽ gặp phải vướng mắc, bởi Điều 8 Luật Giao thông đường bộ đang quy định cấm mua, bán biển số xe.
"Việc này đang được Bộ Công an lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành. Bộ Công an phải xây dựng nghị quyết của Quốc hội, việc giải quyết như thế nào sẽ nằm trong nghị quyết, khi đó mới giải quyết được quyền của người trúng đấu giá biển số xe", bà Mai nói.
Bà Mai cho biết thêm, hiện nay Bộ Công an và Bộ GTVT đang xây dựng, sửa đổi 2 luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Vì thế, có thể sẽ sửa các quyền liên quan đến định đoạt biển số xe được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Theo dự thảo của Bộ Công an, biển số được lựa chọn đấu giá là biển số trắng chữ đen, chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Không đưa ra đấu giá biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...
Người được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cơ quan tổ chức đấu giá là công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện...
Minh Tuệ