Theo báo cáo của Bộ Công an về thực hiện , hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề...
"Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta"- báo cáo cho hay.
Trong khi đó, Luật Căn cước công dân hiện hành không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code). Nhiều đơn vị chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
Vì vậy, Bộ Công an đề xuất bổ sung vào luật sẽ được sửa đổi quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về Căn cước công dân) vào thẻ Căn cước công dân và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp.
Cụ thể, bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp (như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ, công chức, viên chức, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an).
Bổ sung quy định chuyển tiếp, lộ trình tích hợp thông tin; bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan quy định về việc tích hợp, sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế cho giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Bổ sung quy định, tránh gây khó khăn, phiền hà cho công dân
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, việc xác định, định danh công dân trên môi trường điện tử (công dân số) là rất cần thiết. Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về việc xác định, quản lý, định danh công dân trên môi trường điện tử.
Điều này gây khó khăn trong phát triển các tiện ích, triển khai dịch vụ công, quản lý các giao dịch điện tử quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.
Luật cũng đã quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng Chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân. Vậy nhưng nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về Chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ Căn cước công dân (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...) gây khó khăn, phiền hà cho công dân.
Do đó, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định chuyển tiếp về thời hạn sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân (gắn chíp) thay thế cho Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân có mã vạch để tăng cường bảo mật, chống làm giả và phát huy hiệu quả khai thác, ứng dụng tiện ích mới của thẻ Căn cước công dân.
Luật sửa đổi cũng cần bổ sung quy định hạn chế việc buộc thay đổi, điều chỉnh thông tin trên giấy tờ, tài liệu của công dân có sử dụng thông tin Chứng minh nhân dân bằng thông tin về thẻ Căn cước công dân qua ứng dụng mã QR code và chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Đã cấp hơn 65 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa diễn ra, Bộ Công an cho biết hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập và đồng bộ gần 104 triệu phiếu thông tin cư dân từ các nguồn thông tin và cấp trên 65 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân.
Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06 ngày 6/1/2022 về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06).
Triển khai đề án này, Bộ Công an đã xây dựng ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID, phấn đấu đến năm 2025 có trên 40 triệu tài khoản người dùng, đảm bảo 100% các giao dịch công dân số được ký số xác thực. Hiện Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, đến nay đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án...