Dự án luật vừa được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Dự thảo luật đề xuất bổ sung một điều mới (Điều 55a) so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, nhằm giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng
Theo đó, trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến thì cơ sở giam giữ phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn đơn vị đóng quân xác định cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người.
Trong thời hạn 5 ngày sau khi có đánh giá về tình trạng sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến mô, một phần bộ phận cơ thể, thủ trưởng cơ sở giam giữ báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
5 ngày sau khi nhận được báo cáo đó, cơ quan quản lý thi hành án hình sự (Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng) trả lời bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý. Nếu không đồng ý, phải nêu rõ lý do.
Cơ sở y tế có đủ điều kiện phối hợp với cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện các trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách đối với phạm nhân hiến mô, một phần bộ phận cơ thể theo quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Theo dự thảo luật, cơ sở y tế có trách nhiệm xác nhận việc phục hồi sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến mô, một phần bộ phận cơ thể và thông báo cho cơ sở giam giữ phạm nhân để thực hiện đưa phạm nhân về tiếp tục chấp hành án.
Chính phủ sẽ ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các trình tự, thủ tục nêu trên.
Bộ Công an dự kiến trình Quốc hội khóa XV bổ sung đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.
Giữa tháng 5 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến (Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế), cho biết từ năm 1992 đến nay, cả nước có hơn 8.300 trường hợp được ghép tạng.
Trong đó, số tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm 6%, còn lại là người sống. Bà Tiến nói thực tế đó đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số.
Việt Nam đã làm chủ được công nghệ ghép nhiều tạng cứu sống nhiều người nhưng nguồn tạng hiến sau chết não trên cộng đồng và vận động tại các bệnh viện hiện nay rất thấp.
Bộ Y tế cho biết ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...
Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não đã mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế.
Thống kê cho thấy, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện trên 8.000 ca ghép.