Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bộ Chính trị xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng; có trách nhiệm xã hội, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Xây dựng một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt
Cụ thể, đến 2030, Bộ Chính trị nêu mục tiêu phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Năm 2045, mục tiêu Bộ Chính trị nhấn mạnh là xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị nêu 7 giải pháp chủ yếu.
Một là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Bộ Chính trị khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh; nêu cao trách nhiệm xã hội.
Hai là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật về quyền tự do kinh doanh, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...
Bộ Chính trị yêu cầu bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công - tư; kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng.
Song song với đó, theo Bộ Chính trị, cần từng bước mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý Nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách.
Tạo điều kiện để doanh nhân tham gia cơ quan dân cử
Giải pháp thứ ba là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Bộ Chính trị nhắc lại cần có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả thành phần kinh tế tham gia, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp.
Giải pháp thứ tư, theo Bộ Chính trị, là xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Bộ Chính trị lưu ý việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, vi phạm pháp luật.
Giải pháp thứ năm là tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức. Bộ Chính trị cho rằng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học...
Giải pháp thứ sáu là phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Cuối cùng, theo Bộ Chính trị, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chủ trương kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện; thành lập đảng bộ cơ sở tại khu công nghiệp...
Cũng theo Bộ Chính trị, cần đổi mới phương thức quản lý Nhà nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động.