Ngày 30/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Theo Bộ Chính trị, trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, đổi mới và phát triển chính sách xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước với tinh thần tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Nhưng Bộ Chính trị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế khi chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, thiếu liên kết giữa các chính sách trong tổ chức thực hiện, tỷ lệ bao phủ thấp. Chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn.
Kết quả giảm nghèo cũng được đánh giá chưa bền vững; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; bảo hiểm xã hội còn thấp, chưa thật sự hấp dẫn người lao động; đầu tư chính sách xã hội còn có mặt chưa hiệu quả...
Bộ Chính trị khẳng định việc tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả chính sách xã hội là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Việc đổi mới chính sách xã hội nhằm bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của phát triển.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người.
Bộ Chính trị lưu ý đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội phù hợp với khả năng nền kinh tế, trong đó nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo cùng các nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp, xã hội, đóng góp của người dân; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua hợp tác quốc tế.
Quan điểm được Bộ Chính trị nhấn mạnh là xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển.
Bộ Chính trị giao cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII.