Trong nhiều ngày qua, mưa đá và lũ lụt xảy ra ở nhiều khu vực đã khiến bọ cạp rời khỏi hang và tràn vào các khu vực sống của con người. Hệ quả là có tới hàng trăm người bị bọ cạp đốt phải nhập viện. Ba trong số đó đã tử vong vào ngày 13/11.
Được biết, đa số những người bị bọ cạp đốt đi kèm các triệu chứng như đau dữ dội, sốt, đổ mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, run cơ và co giật.
Đa số các loài bọ cạp có độc làm hủy thần kinh. Những độc tố ảnh hưởng đến thần kinh này chứa một lượng nhỏ protein, natri và cation kali. Bọ cạp dùng nọc độc của nó để giết hoặc làm tê liệt con mồi; chúng có tác dụng khá nhanh và hiệu quả.
Tuy nhiên, bọ cạp thường khá nhút nhát nên chúng chỉ chích khi bắt mồi hay tự vệ. Trong trường hợp nguy hiểm, bọ cạp thường bỏ chạy hoặc đứng yên.
Ước tính có khoảng 31 loài bọ cạp sống ở Ai Cập bao gồm bọ cạp đuôi béo trong chi Androctonus, hay còn gọi là bọ cạp tử thần (Leiurus quinquestriatus). Chúng có thể được tìm thấy trong các sa mạc và môi trường sống hoang dã với nhiều bụi cây, trải dài từ Bắc Phi qua Trung Đông.
Đây được coi là một loài rất nguy hiểm bởi vì nọc độc của nó là một hỗn hợp mạnh mẽ của chất độc thần kinh, với một liều lượng có thể gây tử vong ở mức độ thấp. Trong đa số trường hợp, nọc độc từ loài bọ cạp này gây đau dữ dội nhưng không đủ giết chết một người trưởng thành đủ khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu trẻ em và người già ốm yếu bị loài này chích thì rủi ro mất mạng rất cao.
Bọ cạp tử thần thường được phát hiện ở Aswan và đốt hàng chục người ở khu vực này mỗi năm. Khoảng 5.000 người trên thế giới chết hàng năm khi bị bọ cạp đốt, theo một báo cáo năm 2009 trên tạp chí Clinical Neurotoxicology.
Chính quyền thành phố Aswan (Ai Cập) đã phân phát hơn 3.000 liều huyết thanh kháng nọc độc, để điều trị cho những người bị thương tại các bệnh viện và phòng khám địa phương và chuẩn bị cho các sự cố trong tương lai.
Minh Khôi