Bkav Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đứng trước nợ lớn, lãi sụt giảm

17/04/2024 16:12

Bkav Pro của ông Nguyễn Tử Quảng có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,42 lần. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 76%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm 53% so với năm trước.

Thương hiệu Bphone biến mất

CTCP Phần mềm diệt virus Bkav (Bkav Pro) vừa công bố thông tin tài chính năm 2023 với nhiều số liệu không mấy tích cực. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm 53% so với năm trước đó, xuống còn gần 18,7 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng giảm từ 19% năm 2022 còn 8,4% năm 2023.

Tới cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Bkav Pro tăng khoảng 9% so với đầu năm lên hơn 222,7 tỷ đồng nhưng nợ vẫn còn cao. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,42 lần. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 76%.

Như vậy, tổng nợ phải trả của Bkav Pro (do ông Nguyễn Tử Quảng sáng lập và làm CEO) ở mức hơn 316 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu còn gần 170 tỷ đồng.

Khoản nợ trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 5.

Theo báo cáo của VNDirect, hết năm 2023, Bkav Pro của ông Nguyễn Tử Quảng còn nợ xấu vài chục tỷ đồng đối với công ty chứng khoán này. Theo đó, VNDirect ghi nhận có khoản phải thu khó đòi 31,5 tỷ đồng đối với Bkav Pro.

Bkav Pro là doanh nghiệp nổi tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, thuộc Tập đoàn Bkav.

Bkav được ông Nguyễn Tử Quảng thành lập năm 2003, ban đầu hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm. Sau đó, Bkav trở nên nổi tiếng hơn với việc sản xuất smartphone mang thương hiệu Bphone từ giữa năm 2015.

img 4791.jpg
Ông Nguyễn Tử Quảng, người sáng lập ra Bkav. Ảnh: Bkav

Nửa cuối năm 2017, Bkav càng nổi đình nổi đám khi thông tin đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng trong nhiều năm trước đó (được cho là lấy từ việc bán phần mềm diệt virus) và ra mắt sản phẩm điện thoại di động do người Việt Nam sản xuất. Chiếc smartphone này được quảng bá là sản phẩm cao cấp với giá cận cao cấp, gần 10 triệu đồng, nhằm cạnh tranh với thế giới.

Đầu năm 2022, ông Quảng từng tiết lộ trên truyền thông đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để phát triển Bphone.

Bkav khát vọng Việt Nam có một ngành sản xuất smartphone do người Việt làm chủ, cao hơn nữa là Bkav trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Ông Quảng còn khẳng định không ngại một hãng nào trên thế giới về phần mềm lẫn phần cứng, kể cả việc nghiên cứu (R&D); Samsung và Apple làm một chiếc smartphone như thế nào Bkav cũng có thể làm được như thế.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2024, những chiếc điện thoại mang thương hiệu Bphone không còn xuất hiện trong các chuỗi bán lẻ đồ công nghệ và gần như không còn ở các cửa hàng mua bán điện thoại cũ.

Nhiều người dùng nhận xét chiếc điện thoại này nhiều lỗi như đơ màn hình, lỗi hệ điều hành, phồng pin,...

Thách thức vốn với đầu tư mảng camera AI

Bên cạnh mảng phần mềm diệt virus vẫn khá thành công, Bkav trong vài năm qua đẩy mạnh các lĩnh vực khá tiềm năng là: Camera AI (camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo) và sản phẩm chuyển đổi số. Tháng 5/2021, Bkav đã huy động 170 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm (sẽ đáo hạn vào tháng 5), để đầu tư để mở rộng và phát triển hai mảng trên.

Camera AI là loại camera quan sát hiện đại được trang bị những tính năng đỉnh cao nhờ sử dụng các chương trình xử lý thông minh, đồng bộ hóa. Sản phẩm còn có thêm các công nghệ nhận dạng như phân biệt người lạ và người quen, đếm số người...

Mảng camera AI rất tiềm năng và có thể ứng dụng rất nhiều trong đời sống, ngành dịch vụ khách hàng, an ninh mạng,... Nó đang được xem là sản phẩm thiết yếu đối với các thành phố thông minh.

Theo Market Research Future, thị trường camera AI có quy mô hàng chục tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng hằng năm lên tới 2 con số.

Có thể thấy, việc rút khỏi mảng smartphone và chuyển qua tập trung vào thế mạnh phần mềm diệt virus, mảng mới camera AI cũng như sản phẩm chuyển đổi số là một bước đi khá nhanh và đúng hướng.

Nếu số tiền huy động từ trái phiếu được đầu tư vào các mảng mới này, khả năng Bkav sẽ có những bước đi bứt phá. Xu hướng đầu tư vào AI cũng giúp doanh nghiệp của ông Nguyễn Tử Quảng có giá trị hơn, giống như rất nhiều công ty đầu tư vào lĩnh vực AI trên thế giới.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ AI luôn rất tốn kém, chi phí lớn. Lợi thế của Bkav nằm ở việc đã sản xuất smartphone từ trước nên việc làm camera AI dễ dàng hơn. Nhưng một yếu tố rất quan trọng chính là sự trường vốn và khả năng sinh lời nhanh.

Tuy nhiên, hiện tượng lợi nhuận giảm có thể gây khó cho doanh nghiệp này.

Do là doanh nghiệp chưa niêm yết nên thông tin về tình hình kinh doanh của Bkav rất ít. Khó để biết khả năng trả nợ 170 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 5 tới của Bkav thế nào? Khoản nợ xấu gần 31,6 tỷ đồng với VNDirect được xử lý ra sao?

Theo báo cáo tài chính của VNDirect, tại thời điểm 31/12/2023, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng hơn 22 tỷ đồng đối với khoản nợ này từ Bkav Pro.

Theo thông tin phát hành, lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm này có lãi suất cố định 10,5%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất tham chiếu cộng 4,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm tiếp theo.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho hay, trong kỳ trả lãi được công bố gần nhất hồi tháng 11/2023, Bkav Pro thanh toán lãi đầy đủ.

VNDirect và nhóm Bkav có nhiều quan hệ hợp tác trong quá khứ. Năm 2023, VNDirect đã lựa chọn Bkav eContract để thay thế hoàn toàn hợp đồng giấy trong các giao dịch của mình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bkav Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đứng trước nợ lớn, lãi sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO