Hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị "cuốn" đi sau những "cơn bão" mang tên Việt Á, chuyến bay giải cứu hay AIC... Nhiều người gọi đó là những phép thử đau đớn trong công tác cán bộ, bởi một khi không giữ mình, không kiểm soát được quyền lực, cán bộ sẽ dễ dàng rơi vòng xoáy tiền - quyền. Kiểm soát quyền lực vì thế trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Đảng đang dốc toàn lực để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngay từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhận thức và nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát quyền lực bằng việc đưa ra những quan điểm chỉ đạo cụ thể về việc này.
Tại Ðại hội XI, lần đầu tiên khái niệm kiểm soát quyền lực chính thức được ghi vào văn kiện Đại hội, nêu rõ "quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Đến Ðại hội XIII, kiểm soát quyền lực tiếp tục là nội dung được nhấn mạnh trong văn kiện của Đảng, trong đó chỉ rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phải "tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức".
"Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền" khi đó cũng được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh.
Dù vậy, trên thực tế, đã có không ít cán bộ có chức có quyền lợi dụng những sơ hở trong công tác kiểm soát quyền lực để lạm quyền, lộng quyền, cấu kết để trục lợi, tham nhũng.
Với mục tiêu khắc phục những tiêu cực đó, chủ trương tăng cường kiểm soát quyền lực tiếp tục được quán triệt, nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng. Đảng quyết liệt chỉ đạo việc kiểm soát quyền lực phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", khắc phục triệt để tình trạng lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền và lợi ích của nhân dân.
Ðảng cũng chỉ rõ kiểm soát quyền lực là trách nhiệm không chỉ của Ðảng mà của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Song Ðảng cũng thẳng thắn chỉ ra cái khó trong công tác này bởi nó liên quan trực tiếp đến những người nắm quyền lực, những người "có chức có quyền" trong xã hội. Kiểm soát quyền lực vì thế được xem là công việc hệ trọng, cấp bách hiện nay.
Kết luận phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trong năm 2023, các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng được nhiều cơ chế, thể chế, chính sách để kiểm soát quyền lực, cán bộ không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
"Cần có sự phối hợp rất nhịp nhàng "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", phải giáo dục và có cách làm đặc biệt để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng cao, càng phải gương mẫu giữ mình trong sạch", theo lời Tổng Bí thư.
Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) phân tích ở Việt Nam, quyền lực thống nhất thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ông chỉ ra "3 chân kiềng" quan trọng trong 3 khâu, gồm: Đặt ra quy tắc, tổ chức thực hiện quy tắc và xét xử vi phạm của hai công tác trên. "Điều quan trọng nhất ở cả 3 khâu đó chính là cán bộ, vì tất cả do cán bộ quyết định", ông Vân dẫn câu nói của Bác Hồ "Cán bộ là gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém", để minh chứng cho nhận định trên.
Vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh hàng loạt vi phạm, đại án xảy ra thời gian qua chủ yếu do cán bộ, không thể đổ lỗi cho cơ chế.
Tình trạng lạm dụng quyền lực và nhiều vi phạm khác bắt nguồn từ việc này đều do công tác cán bộ. Đó mới là gốc rễ vấn đề, phải "điểm trúng huyệt" đó chứ đừng đổ lỗi cho cơ chế hay lý do nào khác", ông Vân nói.
Ông ví công tác lựa chọn cán bộ không khác gì chọn cây, chọn gỗ. Nếu từ mầm mống chọn được cây tốt, chăm sóc tốt trong quá trình trưởng thành thì cây đó sẽ dùng được vào nhiều việc tốt, có thể làm trụ cột. Ngược lại, nếu ngay từ đầu chọn những cây èo uột, sâu mọt thì sau này cây đó chỉ trở thành củi rác.
Bởi lẽ đó, ông Vân nhắc lại gốc rễ là do cán bộ, không phải do cơ chế. Các sai phạm cũng vì thế chủ yếu xuất phát từ lỗi chủ quan.
Bàn đến chuyện làm sao để kiểm soát, quản lý chặt chẽ những cán bộ được giao quyền, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phải nghiêm trị những người lạm dụng quy trình để "đưa củi rác thay gỗ tốt", tức là đưa người xấu vào bộ máy thay cho người tài.
Ông chỉ ra vấn đề cốt lõi là trước hết cần ngăn chặn được tệ lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ. "Không chọc thủng được chiếc lưới đó, không thể bàn đến chuyện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy", vị đại biểu nêu quan điểm.
Nhắc đến quan điểm nhất quán được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập là việc phải kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, ông Vân khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay.
Theo ông, quyền lực vốn dễ có nguy cơ tha hóa vì quyền lực gắn với quyền lợi, gắn với rất nhiều ảnh hưởng của người được nắm giữ nó. Nếu không kiểm soát, quyền lực sẽ tha hóa và trở thành "con ngựa bất kham", phá nát xã hội.
Muốn kiểm soát được quyền lực phải có cương ghìm "con ngựa bất kham" lại, và người khống chế nó không ai tốt hơn là nhân dân.
Ông Vân góp ý cần tăng cường tính dân chủ, lắng nghe dân chân, càng làm cao càng cần lắng nghe dân. "Việc đầu tiên là cán bộ các cấp phải có năng lực lắng nghe và lắng nghe một cách có chọn lọc, tiếp thu ý kiến của dân để chỉnh sửa chính sách luật pháp cho hợp lòng dân", ông nói.
Ông chỉ ra có 2 hình thức quan trọng nhất để người dân có thể tham gia kiểm soát quyền lực, đó là tạo điều kiện cho người dân có quyền tự mình ứng cử vào các cơ quan quyền lực Nhà nước, tham gia quản lý Nhà nước, cộng đồng… "Thực chất chúng ta có quy định về tự ứng cử nhưng quy trình, tiêu chuẩn với người tự ứng cử rất ngặt nghèo, hiếm khi có người tự ứng cử trúng cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương hay địa phương, vị đại biểu nêu thực tế.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ví dụ quyền quản lý Nhà nước là sử dụng quyền lực để khống chế các hoạt động trong kỷ cương xã hội ở một lĩnh vực cụ thể, không thể để một người hay một tổ chức một tay xây dựng thể chế, một tay làm dịch vụ đó.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phân tích, quyền lực nếu tập trung quá nhiều vào tay một người hay một nhóm người cũng dễ dẫn đến tha hóa, cho nên phải phân cấp phân quyền và "phân tán" quyền lực, để quyền lực cho nhiều người nắm giữ, mỗi người nắm giữ một phần cấu thành quyền lực để có cách thức vận hành nhuần nhuyễn, nhất quán chứ không phải phân quyền để mỗi anh chạy một hướng
Vừa qua, thực tế bên cạnh nhiều cán bộ sai phạm bị kỷ luật cũng có những việc chưa có tiền lệ khi Trung ương cho thôi nhiệm vụ với một số ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị do có trách nhiệm liên quan sai phạm. Theo ông Vân, đây là một biện pháp được lòng dân, cũng là một trong rất nhiều những giải pháp chỉnh đốn bộ máy, sàng lọc cán bộ. Song bên cạnh nhiệm vụ "chống", quan trọng nhất vẫn phải là "xây". Tức là bên cạnh việc xử lý cán bộ tha hóa, biến chất, hư hỏng thì phải đưa người hiền tài vào.
"Tôi e rằng nếu tiếp tục xử lý cán bộ mà không "xây" thì sẽ thiếu nghiêm trọng một lực lượng xứng đáng để thay thế. Nếu cách lựa chọn cán bộ vẫn hạn chế độ tuổi, không có quy định riêng cho người tài thì sẽ không bao giờ chọn đúng người", đại biểu Lê Thanh Vân góp ý phải có cách thức chọn nhân sự hợp lý trong bối cảnh cán bộ bị xử lý quá nhiều.
Đặc biệt, ông Vân đề nghị phải quy định trách nhiệm, chế tài đối với việc tiến cử nhân tài, bổ nhiệm cán bộ vì những vi phạm trong việc này cần phải ngăn chặn bằng quy định của pháp luật. Ví dụ một người được đề xuất, tiến cử nhưng không đủ tiêu chuẩn, có nhiều sai phạm thì những người liên quan quy trình cán bộ của người đó phải chịu trách nhiệm, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì xử phạt hình sự. Đó cũng là một trong những cơ chế để kiểm soát quyền lực.
TS Đinh Văn Minh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) cũng chỉ ra thực tế người có quyền lực luôn có nguy cơ lạm quyền, dẫn tới tham nhũng, lợi dụng quyền hạn của Nhà nước nhân dân giao cho để làm những điều có lợi cho bản thân.
"Lợi ích đó không phục vụ nạn chủ đích thực là nhân dân, không theo đúng tiêu chí Nhà nước giao nên chúng ta luôn có một nguyên tắc là khi có quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực", theo ông Minh.
Ông cho biết năm 1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, đến ngày 23/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, bản chất là để giám sát bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, giám sát quyền lực. Nghĩa là ngay từ thời điểm đó, chúng ta đã quan điểm rất rõ ràng và thể hiện nhận thức sâu sắc về vấn đề kiểm soát quyền lực.
Từ thời điểm đó đến nay, ông Minh nhìn nhận cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực ngày càng được hoàn thiện. Song trên thực tế, liên tiếp các vụ đại án như Việt Á, chuyến bay giải cứu… xảy ra trong những năm gần đây cho thấy hiệu quả của việc giám sát, kiểm soát quyền lực chưa được như mong đợi.
Điểm chung của những đại án này là liên quan rất nhiều cán bộ từ địa phương đến Trung ương, thậm chí cả những cán bộ cấp cao là Ủy viên Trung ương, bộ trưởng, lãnh đạo địa phương. Bên cạnh đó, số tài sản, tiền bạc thất thoát trong những vụ án này rất lớn. Và quan trọng hơn là tính sai phạm có chủ đích, có hệ thống, có sự bắt tay giữa nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân với mục đích nhằm trục lợi.
Từ thực tế này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhìn nhận có những lỗ hổng cần tiếp tục hoàn thiện để kiểm soát quyền lực tốt hơn, hạn chế những hành vi sinh ra tham nhũng.
"Chúng ta đã có những đề án rất lớn về kiểm soát quyền lực do các cơ quan Đảng chỉ đạo. Từ nhận thức sâu sắc đó, chúng ta cần hướng giải pháp kiểm soát quyền lực đi vào từng lĩnh vực, từng hoạt động cụ thể", TS Đinh Văn Minh nói.
Nhìn nhận điều này đang được triển khai một cách tích cực, TS Đinh Văn Minh cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan Đảng đang cố gắng cụ thể hóa những nguyên tắc chung trong kiểm soát quyền lực thành từng chính sách, cơ chế trong từng lĩnh vực quản lý cụ thể, để cơ chế này vừa làm trên diện rộng, vừa được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Để cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả, TS Đinh Văn Minh góp ý nên rà soát, xem lại các cơ quan hiện nay được chức năng này đã có đủ quyền hạn, đủ sức mạnh để thực hiện hay chưa.
Ngoài ra, sự giám sát của người dân, theo ông Minh, cũng là cơ chế kiểm soát quyền lực vô cùng quan trọng để có thể phản ánh những việc làm trong quá trình thực thi công vụ, sử dụng quyền lực của cán bộ. Muốn vậy, một mặt Nhà nước phải tạo ra cơ chế, công khai minh bạch, đặt hoạt động công quyền và việc sử dụng quyền lực dưới ánh sáng, trước hàng vạn lỗ tai con mắt của người dân.
"Nhưng mặt khác bản thân người dân và xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực đấu tranh, kiểm soát của mình, bởi muốn thực hiện quyền của mình cũng phải có kiến thức, nắm chắc thông tin và luật pháp", theo lời ông Minh.
Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Thủy Tiên
06/04/2023