Bịt lỗ hổng trong công tác giám sát cán bộ, kiểm soát quyền lực

07/07/2021 22:52

Việc ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Đây không phải lần đầu một quan chức cấp cao bị kỷ luật, nhưng trường hợp ông Trần Văn Nam bị kỷ luật sau khoảng nửa năm diễn ra Đại hội XIII của Đảng là dấu hiệu cho thấy: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Điều này thêm một lần minh chứng cho lời khẳng định của người đứng đầu Đảng ta: Cuộc đấu tranh này không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng, không bị chùng xuống, không ngừng nghỉ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân không trong sáng nào.

Dư luận đánh giá cao việc Trung ương Đảng đã đưa ra hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc đối với ông Trần Văn Nam, đồng thời bày tỏ đồng tình, ủng hộ với sự kiên quyết, nhất quán của Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp là một trong những giải pháp đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; chứ không phải là cuộc “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái” như một số luận điệu thù địch rêu rao, xuyên tạc trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Tuy vậy, sau khi sự việc được thông báo, một loạt câu hỏi được đặt ra là: Các cơ quan tham mưu, cơ quan chức năng của Tỉnh ủy Bình Dương và cơ quan chức năng của Trung ương có trách nhiệm gì khi để ông Trần Văn Nam “lọt” qua các bước sát hạch khắt khe, quy trình nhân sự rất chặt chẽ? Liệu có chế tài nào đối với những tổ chức, cá nhân liên quan đã đề cử, giới thiệu người vào cấp ủy khóa mới, chức vụ mới mà liền sau đó phải xử lý kỷ luật như trường hợp ông Trần Văn Nam?

Trước khi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình làm công tác nhân sự. Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” (tháng 4-2020), thời điểm đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học; phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, vì “Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Trước đó, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định này được nhân dân kỳ vọng sẽ phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tha hóa, tham nhũng quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công Chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới.

Khách quan mà nói, chưa có nhiệm kỳ nào mà công tác nhân sự lại được Trung ương Đảng ta quan tâm đặc biệt như nhiệm kỳ này, nhất là nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhờ đó, cơ bản chúng ta đã chuẩn bị, lựa chọn được những nhân sự ưu tú, tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, dân tộc trong tình hình mới.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta chủ quan, hài lòng với những kết quả đã đạt được. Sau vụ việc ông Trần Văn Nam dính hàng loạt sai phạm suốt thời gian dài mà không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời, rồi lọt qua các khe cửa hẹp để được bầu vào chức danh lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và lọt vào cả cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội của Đảng, chúng ta có thêm một bài học đắt giá về công tác quản lý, giám sát, kiểm tra cán bộ và công tác kiểm soát quyền lực đối với những người có chức, có quyền.

Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng phải tiếp tục có những giải pháp khả thi, hữu hiệu hơn nữa mới có thể bịt chặt được các lỗ hổng trong công tác giám sát, đánh giá cán bộ và kiểm soát quyền lực. Đồng thời phải thực hiện cả những giải pháp đồng bộ, thiết thực, cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng. Bởi vì, nếu không có cơ chế ràng buộc lẫn nhau để kiểm soát quyền lực, giám sát quyền lực, chấn chỉnh quyền lực, thì nguy cơ tha hóa quyền lực rất khó có thể được ngăn chặn, đẩy lùi.

Cũng sau vụ việc này, thêm một lần cảnh báo đối với những trường hợp quan chức từng tìm mọi cách, làm mọi giá để “chui sâu, leo cao” vào bộ máy công quyền các cấp, theo quy luật “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”, nhất định sẽ có ngày bị đưa ra ánh sáng. Con số hơn 110 cán bộ cao cấp, tướng lĩnh nhân dân biết mặt, cả nước biết tên có thời nắm giữ quyền lực có thể khuynh đảo cả một tập thể hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người dưới quyền, đã bị xử lý kỷ luật Đảng, cách chức, xử lý hình sự, chính là gương tày liếp cho những người ăn cơm dân, hưởng lộc nước mà không chú trọng làm trọn bổn phận, nghĩa vụ phụng công, thủ pháp.

Lời nhắc nhở của người đứng đầu Đảng ta: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Nếu không rèn luyện tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ” là thông điệp nhắn nhủ sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó cũng là điều cảnh tỉnh đối với những người đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhất là người có chức, có quyền, có vị trí xã hội càng cao thì càng phải tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, tự giác tu thân tích đức, nghiêm khắc rèn luyện bản thân, thường xuyên tự soi, tự sửa, không bị sa ngã vào “mồi phú quý, bả vinh hoa”. Nói ra điều này tuy không mới, nhưng cũng không bao giờ cũ, không bao giờ thừa đối với mỗi cán bộ, đảng viên thời nay.

THIỆN VĂN

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bịt lỗ hổng trong công tác giám sát cán bộ, kiểm soát quyền lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO