Ngày 6.10, đại diện Sở Y tế Bình Dương thông tin, vừa phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ 2 là bệnh nhân sinh năm 2004, địa chỉ thường trú tại Khu phố Bình Phước, Bình Nhâm, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Ca bệnh này có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được TPHCM xác định trước đó (bệnh nhân sinh năm 2001, giới tính nam, địa chỉ tại phường 2, Quận Tân Bình, TPHCM).
Sở Y tế Bình Dương đã thành lập đoàn giám sát tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh.
Ca bệnh thứ 2 ở Bình Dương này được Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex khám phát hiện, gửi mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Hiện tại người bệnh được cách ly điều trị tại Khoa nhiễm Trung tâm Y tế TP Thuận An.
Toàn bộ những người tiếp xúc gần có yếu tố dịch tễ và ổ dịch được ngành y tế tỉnh Bình Dương xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Minh Chín - Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương - cho biết, sức khỏe của bệnh nhân tạm ổn; hiện được cách ly điều trị tại Khoa nhiễm Trung tâm Y tế TP Thuận An.
Trước đó, Báo Lao Động đã đưa tin, ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Bình Dương là bệnh nhân nữ, 22 tuổi, trọ tại khu phố Cổng Xanh, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên. Bệnh nhân được cách ly và điều trị tại Khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế TP Tân Uyên.
Đến hôm nay (6.10), ông Huỳnh Minh Chín cho biết, ca bệnh này đã được điều trị hết bệnh, đang chờ kiểm tra lại và có thể xuất viện vào thứ 3 tuần sau.
Cơ chế lây nhiễm và triệu chứng
Đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm từ người sang người khi:
+ Tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vết loét hoặc vảy đậu mùa ở khỉ.
+ Tiếp xúc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu khỉ.
+ Ôm, xoa bóp, hôn. Nói chuyện gần gũi có thể lây qua đường hô hấp hoặc dịch miệng của người bị bệnh đậu mùa khỉ.
+ Tiếp xúc các bề mặt được sử dụng bởi một người bị đậu mùa khỉ hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, giường, khăn tắm, dụng cụ ăn uống…
Giai đoạn phát bệnh - từ 2 đến 4 tuần:
+ Sau khi hạ sốt, xuất hiện phát ban tiến triển từ dát (những tổn thương phẳng)→ sẩn → mụn nước → mụn mủ → lõm, đóng vảy → bong vảy. Có thể cùng xuất hiện ban ở nhiều giai đoạn khác nhau trên cơ thể.
+ Ban phân bố từ mặt lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Tổn thương cũng có thể xuất hiện trên màng nhầy, kết mạc, giác mạc trong miệng, trên lưỡi và trên cơ quan sinh dục.
+ Tổn thương có đường kính từ 0,5 - 1cm và số lượng từ một vài đến vài nghìn.