Theo Sở Y tế Bình Dương, tỉnh cũng bị tình trạng chung của cả nước là đang thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho điều trị bệnh. Việc thiếu thuốc xảy ra ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Nguyên nhân do nhiều vướng mắc trong đấu thầu. Các bệnh viện tự tổ chức mua sắm, thủ tục rất nhiều, thời gian thực hiện rất lâu. Ví dụ, năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đấu thầu mua sắm 800 mặt hàng vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm... Tuy nhiên, làm thủ tục rất nhiều, nhưng đấu thầu chỉ trúng được hơn 400 mặt hàng đạt trên 50%. Do đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải tổ chức đấu thầu lại, mỗi lần đấu thầu phải mất 6 tháng đến 1 năm.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, rất nhiều vấn đề phải thực hiện chặt chẽ, chuyên môn sâu trong ngành y tế (như nguồn gốc, xuất xứ, đặc tính kỹ thuật). Trong đó có cả vấn đề tham khảo giá, có công ty thẩm định giá không dám thẩm định giá cho các đơn vị y tế nữa. Vì vậy, việc mua sắm diễn ra rất chậm.
Đến tháng 4.2022, Sở Y tế đã thành lập 1 đơn vị đấu thầu tập trung và hoàn thành đấu thầu xong gói thuốc cơ bản để cung cấp cho toàn tỉnh Bình Dương. Do đó, về cơ bản trong giai đoạn này, chưa xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Hiện chỉ còn vướng mắc và thiếu ở gói biệt dược và gói thuốc của y học cổ truyền. Nguyên nhân do các yếu tố khách quan. Hiện Sở đã làm văn bản kiến nghị Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc trong quá trình mua sắm 2 gói này.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, tình trạng thiếu thuốc của tỉnh Bình Dương cơ bản không có nặng nề vì đã thực hiện xong đấu thầu mua sắm gói thuốc cơ bản vào tháng 4.2022.
Được biết, trước đó, vào ngày 12.4, Sở Y tế Bình Dương đã có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp thuốc generic cho các cơ sở y tế công lập trong tỉnh.
Quyết định này phê duyệt cho 132 nhà thầu trúng thầu 881 mặt hàng vật tư y tế, thuốc, hóa chất, sinh phẩm. Tổng trị giá gói thầu gần 870 tỉ đồng. Nguồn tài chính từ Bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh, nguồn ngân sách nhà nước.