Bình Định: Núi Cấm sạt lở vì đâu?

Mỹ Bình| 22/11/2021 21:18

Mặc dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng người dân sinh sống tại khu vực núi Cấm vẫn chưa hết bàng hoàng và trở lại cuộc sống bình thường sau sự cố núi Cấm sạt lở nghiêm trọng. Người dân cho biết nguyên nhân sạt lở là do phát bụi cây trên núi trồng bạch đàn và phá núi mở đường cộng mưa lớn.

Vụ sạt lở núi Cấm tại thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát xảy ra vào đêm 12/11/2021 nhưng đến nay người dân sinh sống dưới chân núi Cấm vẫn chưa hết bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến cảnh núi Cấm sạt lở nghiêm trọng.

Núi Cấm bị sạt lở nghiêm trọng, từ trên đỉnh núi tràn đất đá xuống khu vực nhà dân ở

Hàng chục ngàn mét khối bùn đất trên núi cùng với đá đổ ập xuống khu vực nhà người dân ở. Nhiều ngày đã trôi qua, cuộc sống người dân nơi đây vẫn chưa trở lại bình thường sau sự cố thiên tai kinh hoàng ấy.

Đất và đá tràn xuống khu dân cư

Đất đá vẫn tiếp tục tràn vào nhà dân khi có mưa lớn, lượng đất đá cũ mặc dù có sự giúp sức của chính quyền địa phương, lực lượng quân đội, dân quân, đoàn viên, thanh niên tham gia cùng người dân cào bùn, đẩy đất ra ngoài nhưng lượng đất bùn vẫn còn nhiều. Chính quyền địa phương đang cho lực lượng xe công nông, máy đào múc đất bùn chở ra ngoài để giảm lượng bùn đất từ trên núi đổ xuống.

Lượng bùn đất cao gần nóc nhà người dân ở

Theo người dân cho biết thì đây là lần đầu tiên họ chứng kiến núi Cấm bị sạt lở. Hiện có 3 điểm sạt lở đáng lo ngại, nếu trời tiếp tục mưa dai dẳng kéo dài nhiều ngày tới thì nguy cơ núi Cấm sạt lở nghiêm trọng hơn là không thể tránh khỏi nên người dân sinh sống ở dưới chân núi Cấm có tâm lý lo sợ, bất an. Chỉ cần thấy trận mưa lớn là họ lo chạy ra khỏi nhà và trở về nhà khi trời yên tạnh trong tâm trạng bần thần, âu lo.

Lực lượng xe múc, xe công nông múc chở bùn đất ra ngoài

Bà Nguyễn Thị Anh ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành chia sẻ: Tôi sinh sống mấy chục năm ở đây chưa bao giờ thấy núi Cấm sạt lở. Những năm trước đây dù trời mưa to cỡ nào cũng chảy đi hết. Thế nhưng thời gian gần đây, trên núi Cấm xuất hiện tình trạng một số người dân lên núi phát dọn thực bì để trồng bạch đàn và làm đường vận chuyển bạch đàn lên núi và cộng mưa lớn nhiều này mới xảy ra sạt lở nghiêm trọng vậy.

Bùn, đất cộng mưa lớn vây khu dân cư

Bà Mai Thị Thắm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành tiếp lời: Chúng tôi giờ khổ lắm, ban ngày về nhà ở để nấu cơm, trông nhà, cho bò ăn nhưng đêm đến là kiếm nhà người quen, họ hàng ngủ nhờ. Cứ nghe mưa lớn là lo chảy ra khỏi nhà, ôm mỗi bộ đồ mang theo còn tài sản, nhà cửa bỏ lại. Nghe nói có cho dân di dời tái định cư nhưng lên tái định cư tiền đâu chúng tôi cất nhà, chỗ nào đâu nhốt trâu, bò, nuôi heo, gà, dê nên khổ trăm bề. Họ mà cứ tiếp tục phát cây bụi để trồng bạch đàn trên núi nữa thì chắc cũng phải dời đi chứ ở đây sạt lở mà chết.

Đường giao thông trong thôn Chánh Thắng đi lại khó khăn

Bà Mai Thị Dư (75 tuổi) ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành kể: Núi này là núi Cấm không chỉ tên gọi mà còn là khu vực cấm phát dọn, cấm xâm hại nhưng thời gian gần đây có tình trạng người dân lên núi trồng bạch đàn. Họ còn ngang nhiên mở đường đưa xe lên núi để vận chuyển chở bạch đàn. Từ ngày sạt lở núi, gia đình lo sợ cứ sang nhà người quen ở tạm. Nhà tôi không sao nhưng đàn gà chết nhiều. Tôi già rồi không làm gì ra tiền, chỉ sống vào đàn gà mà giờ gà chết không biết lấy gì sống, tâm trạng lo âu thấp thỏm không dám ở nhà mình, nghĩ mà cơ cực.

Bùn đất tràn vào khu nhà dân ở

Khu vực ảnh hưởng do núi Cấm sạt lở có hơn 130 hộ dân với 450 nhân khẩu ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành phải di dời. Nhưng trước mắt họ chỉ ở tạm nhà người quen, họ hàng vào ban đêm, ban ngày vẫn phải trở về ngôi nhà của mình. Bất kể khi nào có hiện tượng mưa lớn bất thường lại bồng bế nhau đi tránh nạn.

Nguy cơ điểm sạt lở thứ 2 trên núi Cấm

Ông Mai Văn Bé – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành cho biết: Trước mắt, chính quyền điều động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục sự cố sạt lở núi Cấm. Chúng tôi cho lực lượng xe công nông, máy múc cào hốt và vận chuyển lượng bùn đất ra ngoài khu dân cư dưới chân núi Cấm để giúp bà còn sớm trở lại cuộc sống bình thường. Vận động bà con di dời ở tạm nơi an toàn. UBND xã cũng đã xin ý kiến UBND huyện xây dựng khu tái định cư mới sẽ đưa bà con khu vực dưới chân núi Cấm di dời đến nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống.

Người dân lo lắng bất an khi trời tiếp tục mưa to

Nói về nguyên nhân dẫn đến núi Cấm sạt lở cho ông Mai Văn Bé thông tin: Nguyên dân sạt lở núi Cấm là do mưa quá lớn kéo dài nhiều ngày, ngoài ra khu vực núi Cấm xuất hiện tình trạng người dân phát dọn thực bì để trồng bạch đàn. Núi mất đi lớp ngoài bảo vệ cộng mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng.

Cuộc sống người dân vẫn chưa trở lại bình thường sau sự cố sạt lở núi

Không chỉ ở khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, mà đợt mưa những ngày qua đã gây thiệt hại cho huyện Phù Cát ước tính hơn 31,5 tỷ đồng. Theo dự báo, tình hình mưa lớn tại Bình Định sẽ kéo dài thêm từ ngày 22 đến ngày 27/11/2021.

Trước tình hình trên, huyện Phù Cát chỉ đạo cho các địa phương tập trung huy động lực lượng sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm và vùng cô lập lên vùng cao an toàn, đồng thời phân công lực lượng túc trực ở những địa bàn xung yếu về giao thông, thủy lợi, vùng có nguy cơ sạt lở để hướng dẫn nhân dân đi lại an toàn và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra; tiến hành hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại trong quá trình đi di dời để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-nui-cam-sat-lo-vi-dau-333914.html
Copy Link
https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-nui-cam-sat-lo-vi-dau-333914.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Núi Cấm sạt lở vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO