Đông đảo người biểu tình hôm 23/3 đã xuống đường trên khắp nước Pháp để thể hiện sự phẫn nộ của họ đối với quyết định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, mới được chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron thông qua. Các công đoàn tuyên bố có tới 3,5 triệu người tham gia biểu tình chống cải cách hưu trí. Trong khi, nhà chức trách đưa ra con số thấp hơn nhiều, chỉ gần 1,1 triệu người.
Tại Paris, các lãnh đạo công đoàn ước tính con số kỷ lục 800.000 người tham gia tuần hành khắp thủ đô để yêu cầu chính phủ hủy bỏ cải cách gây tranh cãi. Song, cảnh sát thống kê chỉ có 119.000 người biểu tình tham gia hoạt động này.
Theo báo Guardian, các cuộc biểu tình chủ yếu ôn hòa đã bị hủy hoại bởi sự bùng phát của bạo lực và đốt phá. Tại thành phố tây nam Bordeaux, cửa trước của tòa thị chính bị phóng hỏa, trong khi ở Paris, cảnh sát và các nhóm biểu tình đụng độ đến khuya.
Cũng tại thủ đô Pháp, bầu không khí trở nên tồi tệ khi một nhóm thanh niên quá khích mặc đồ đen và đeo mặt nạ, dẫn đầu cuộc tuần hành đã đập phá các nhà chờ xe buýt, pano quảng cáo, cửa sổ của các cửa hàng, mặt tiền của một nhà hàng McDonald và các ki-ốt bán báo. Họ để lại các cửa kính bị nứt vỡ và hàng đống thùng đang bốc cháy phía sau.
Các vụ đụng độ tồi tệ nhất diễn ra ở quảng trường l'Opéra và sau đó là quảng trường Bastille, nơi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông biểu tình bằng hơi cay.
Đã có những cuộc biểu tình lớn ở Marseille, Lyon, Besançon, Rennes, Arles cũng như các thị trấn và thành phố khác của Pháp. Tại thành phố Rouen, nơi ước tính có 14.800 – 23.000 người tham gia tuần hành, một người phụ nữ đã bị lựu đạn hơi cay thổi bay một phần bàn tay.
Giới phân tích nhận định, dù Chính phủ Pháp đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm 20/3, đồng nghĩa luật tăng tuổi hưu sẽ chính thức được triển khai, nhưng việc biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn khắp toàn quốc có thể làm leo thang tình trạng bất ổn, dẫn tới cơn bão chính trị mới bủa vây Tổng thống Macron.
Tuấn Anh