24h hoạt động hết công suất của kíp trực 115
Thời gian này, tại Phòng Điều phối cấp cứu (Trung tâm 115 Hà Nội, đường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) luôn trong không khí khẩn trương. Tổng đài đón nhận thông tin cấp cứu 115 liên tục hoạt động và tiếng chuông điện thoại cũng reo liên hồi.
Bên cạnh việc xử lý thông tin, điều phối xe vận chuyển bệnh nhân cấp cứu kịp thời, đội ngũ y bác sĩ trực tổng đài còn kiêm luôn nhiệm vụ thăm khám, sàng lọc bệnh nhân COVID-19. Từ đó đưa ra các bước phân tầng phù hợp, tránh tình trạng quá tải ở tầng 2 và 3.
Anh Nguyễn Hữu Liên - Điều phối viên (Phòng Điều phối cấp cứu) tay bốc máy nghe, gọi liên hồi. Vừa điều phối một trường hợp gặp tai nạn giao thông trên đường Tây Sơn, anh Liên đã gọi điện ngay đến Bệnh viện Hòe Nhai để yêu cầu hỗ trợ vận chuyển F0 từ phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm) đến Bệnh viện Việt Đức kịp thời điều trị.
Anh Liên chia sẻ, nếu như ngày thường trung tâm 115 tiếp nhận từ 1.200 - 1.500 cuộc gọi cấp cứu từ cộng đồng thì từ khi có dịch, con số này lên tới 2.000 -2.300 cuộc gọi/ngày. Như vậy mỗi nhân viên thuộc phòng điều phối sẽ phải tiếp nhận trung bình 150 cuộc gọi trong 24h làm việc - một con số không hề nhỏ.
Theo điều phối viên này, vấn đề đang gây áp lực lớn cho phòng điều phối và kíp vận chuyển F0 của Trung tâm cấp cứu 115 là vừa phải tiếp nhận, rồi sau đó điều phối, phân tầng điều trị đến các bệnh viện.
Khi người dân không thể gọi cho y tế sở tại, họ thường liên hệ đến 115. Sau khi tiếp nhận thông tin, điều phối viên sẽ bố trí kíp xe đến nhà F0, đánh giá, phân tầng bệnh nhân. Tuy nhiên, khi xe chuyển bệnh nhân đến thì bệnh viện lại tiếp tục đánh giá lại mức độ. Lúc này xuất hiện tình trạng đù đẩy giữa các đơn vị khiến lực lượng điều phối và kíp xe của 115 rất vất vả và áp lực.
Theo chân kíp vận chuyển đến tận nhà F0 trở nặng
Ngoài Phòng điều phối đang phải làm việc hết công suất, hiện nay, 15 kíp vận chuyển, mỗi kíp có ba người gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và lái xe cũng đang hoạt động liên tục. Nhiệm vụ của họ là đến hiện trường, phân loại F0 và chọn bệnh viện để đưa F0 nhập viện. Mỗi chuyến cấp cứu thường mất khoảng 2 tiếng, thậm chí có thể lên đến 4 - 5 tiếng nếu phải đi các vùng ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Chương Mỹ.
Vừa kết thúc một chuyến vận chuyển F0, kíp trực của Bác sĩ Hoàng Văn Hải (Trưởng trạm cấp cứu Trung tâm 115) bắt tay ngay vào việc khử khuẩn xe theo quy định dịch tễ. Nghỉ ngơi chưa đầy 10 phút, Trung tâm điều phối 115 tiếp tục thông báo kíp cần nhanh chóng đón bệnh nhân có dấu hiện trở nặng tại phố Thanh Hà (đoạn giáp phố Hàng Chiếu). Không chần chừ, kíp trực của bác sĩ Hải tiếp tục lên đường.
Họ xuất phát lúc 11h hơn, song đường đi vào khu vực phố cổ chật hẹp nên xe không thể đi nhanh, mất ít nhất 20 phút mới tới được hiện trường.
Trường hợp F0 lần này là cụ bà sinh năm 1931, có bệnh nên tăng huyết áp, SpO2 (chỉ số oxy trong máu) giảm sâu dưới 90%, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, khó thở. Theo quy định, F0 cần được phân tầng 3 là một trong những tầng nặng để điều phối đến một bệnh viện phù hợp. Bệnh viện Việt Đức là cơ sở cấu cứu gần nhất nên kíp trực đã liên hệ và đưa bệnh nhân đến địa điểm này.
Theo Bác sĩ Hải, mỗi ca trực, nhân viên trung tâm phải tham gia từ 8-10 chuyến, thậm chí có những ngày cao điểm nhiều chuyến không thể nhớ hết. Để hoàn thành một chuyến vận chuyển F0 cần thực hiện nhiều công đoạn quan trọng như khâu chuẩn bị trang thiết bị y tế hỗ trợ lúc cần thiết, quần áo bảo hộ cho nhân viên, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình vận chuyển. Sau cùng, kíp trực phải khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ xe cấp cứu để đảm bảo phòng dịch và chuẩn bị cho những chuyến vận chuyển tiếp theo.
Cùng kíp trực với Bác sĩ Hải, anh Thành lái xe cứu thương Trung tâm 115 cho biết, số chuyến cấp cứu tăng vọt kể từ khi các ca nhiễm lan rộng ở Hà Nội. Đôi khi các kíp trực cùng ngày không nhìn thấy mặt nhau, đến khi về trạm để tan ca mới gặp được đồng nghiệp.
Trao đổi với Lao Động, Bác sĩ Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc trung tâm 115 Hà Nội - cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, công việc của 115 gia tăng đáng kể. Hiện năng lực đáp ứng của đơn vị từ khi có dịch (12.2019 đến nay) mỗi ngày đang tăng dần lên theo cấp độ và mức độ của dịch.
Kể từ tháng 11.2021, UBND TP.Hà Nội giao nhiệm vụ cho 115 chủ yếu là tiếp nhận, vận chuyển những bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 (bệnh nhân ở mức độ trung bình đến nặng và nguy kịch) đến viện. Mục đích là làm sao để giảm thời gian bệnh nhân được nhanh chóng đến bệnh viện một cách tốt nhất.
Theo Bác sĩ Thắng, Trung tâm cấu cứ 115 Hà Nội hiện có 15 xe cấp cứu thường trực 24/24. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm 115 đáp ứng được từ 100-120 chuyến. Có thời điểm trung tâm phải đáp ứng từ 150 - 160 chuyến, trong đó có đến hơn 200 bệnh nhân F0. Hiện số F0 thuộc trường hợp tầng 2 và 3 được trung tâm tiếp nhận khoảng 130 ca/ngày.
“Đa phần các cuộc gọi liên quan đến F0 đều là các trường hợp nặng cần hỗ trợ về y tế khẩn cấp. Trong điều kiện quá tải F0, không có xe đón, trung tâm đề xuất Sở Y tế cùng UBND TP.Hà Nội yêu cầu các bệnh viện tuyến quận, huyện tham gia vận chuyển”, Bác sĩ Thắng cho hay.
Phó giám đốc trung tâm 115 Hà Nội thông tin thêm, số ca mắc tăng không đồng nghĩa với đội ngũ y tế của trung tâm tăng. Hiện tại đơn vị bố trí từ 14-15 kíp trực/ngày. Trong đó thường trực 24 tiếng và nghỉ 48 tiếng. Ly do là để đáp ứng tốt nhiệm vụ, giảm thời gian tiếp xúc của các nhân viên với nhau, qua đó tránh phơi nhiễm ngay trong đơn vị.
Với số lượng bệnh nhân tăng vọt, trung bình khoảng 2.000 ca nhiễm/ngày, không chỉ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, ngành Y tế cũng đã huy động thêm xe cứu thương của các bệnh viện công lập và ngoài công lập cùng tham gia vào việc vận chuyển người bệnh COVID-19. Đồng thời cũng đã có văn bản đề nghị sự hỗ trợ của ngành giao thông vận tải, sự chủ động của 30 quận huyện để huy động các doanh nghiệp vận tải cùng tham gia vào công việc này.