Biến thể phụ XBB.1.5 có nguy hiểm không? Tiêm vắc xin có phòng được không?

ANH ĐÀO| 12/01/2023 19:24

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam đã xuất hiện biến thể XBB tại 2 tỉnh thành là Tây Ninh và TP.HCM, chưa ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5.

photo-1-16730001485941241702704-1673008138678833751355.png
Các bác sĩ khuyến cáo tiêm vắc xin vẫn có khả năng phòng biến thể phụ XBB và XBB.1.5 - Ảnh: Internet

Nguy cơ biến thể phụ XBB.1.5. xâm nhập dịp Tết

Bộ Y tế cho biết hiện tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể XBB của virus SARS-CoV-2. Biến thể này đã lây lan ở hơn 70 quốc gia thậm chí gần đây còn xuất hiện thêm biến thể phụ với tên gọi là XBB.1.5.

Tại Việt Nam đã xuất hiện biến thể XBB tại hai tỉnh thành là Tây Ninh và TP.HCM, chưa ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.

Ngày 9/1 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện số 05 về tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, đặc biệt ứng phó với biến thể XBB.1.5.

Theo công điện biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn. Gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó của Ban Bí thư, Thủ tướng về đảm bảo Tết, chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

3745kevwvfjhbkjsfl24pr3mle-2873.jpeg
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 - Ảnh: REUTER

Hai biến thể XBB và XBB.1.5 có nguy hiểm?

TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện biến thể phụ XBB của Omicron, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này không thể tránh khỏi.

Việc xuất hiện các biến thể mới của đợt dịch bệnh hoàn toàn là quy luật của tự nhiên. Quy luật tiến hóa tự nhiên của dịch bệnh đã cho thấy khả năng lây lan dịch càng nhanh thì khả năng tạo miễn dịch cộng đồng sẽ nhanh hơn, dịch sẽ giảm nhẹ.

Lý do biến thể phụ XBB có tốc độ lây lan nhanh là do chúng có thêm đột biến, bám vào đường hô hấp trên, nhưng không gây nguy hiểm hơn các biến chủng trước đó của Omicron.

Còn PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cũng cho biết các biến chủng phụ XBB xuất hiện từ việc tái tổ hợp của các biến chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75. Biến chủng XBB đã được phát hiện tại 35 quốc gia từ đầu tháng 10-2022.

Biến chủng phụ XBB.1.5 (biến chủng phụ Omicron XBB) có đột biến F486P khiến vi rút gia tăng khả năng xâm nhập vào tế bào, làm tăng khả năng lây lan của COVID-19. Vì vậy XBB.1.5. có khả năng lây lan nhanh và tính đến đầu năm 2023 ở Mỹ, 40% trường hợp nhiễm COVID-19 là do XBB.1.5.

Biến thể phụ XBB.1.5 xâm nhập vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Để đối phó với XBB.1.5, những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã được khuyến cáo từ trước là quan trọng.

Các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người nếu không cần thiết và tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo khuyến cáo ngành y tế.

"Các vắc xin COVID-19 hiện vẫn có khả năng bảo vệ, giảm tỉ lệ chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng XBB. Dù các biến chủng XBB có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng xâm nhập vào tế bào bị kém hơn, khả năng lây lan của biến chủng XBB bị giảm hơn so với các biến chủng Omicron khác", PGS Dũng phân tích.

Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên Thế giới (Mỹ, các nước Châu Âu, Hàn Quốc,…). Điều quan trọng là tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron (theo Tổ chức Y tế Thế giới).

Dr.Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam khuyến cáo những loại vắc xin COVID-19 được WHO phê chuẩn đã chống chọi tốt với các biến thể mới và vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như chúng ta đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung.

Đó là đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên, và cả người lớn lẫn trẻ em hãy đảm bảo rằng mình đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.

Tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, đúng lịch đặc biệt quan trọng đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.

Bài liên quan
  • Bé gái chào đời với cân nặng 5kg
    Bé gái là con thứ 3 trong gia đình. Mẹ bé bị đái tháo đường thai kỳ, từng phải lọc máu do viêm tụy cấp. Thời điểm nhập viện, sản phụ có chỉ số mỡ máu tăng gấp 10 lần mức bình thường.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biến thể phụ XBB.1.5 có nguy hiểm không? Tiêm vắc xin có phòng được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO