Biến thể phụ BA.5 mới xuất hiện ở Việt Nam có nguy hiểm không?

ANH ĐÀO| 08/07/2022 02:00

Theo các bác sĩ, biến thể BA.5 vừa xuất hiện tai Việt Nam mang nhiều đột biến trên protein gai khiến độ bám của virus vào tế bào của vật chủ nhanh và dễ dàng lây lan hơn.

omicron-1656403021911967627933.jpeg
Ảnh minh họa COVID-19 - Ảnh: Medical Xpress

Không nguy hiểm như Delta

Th. BS Nguyễn Hiền Minh - phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) - cho biết kể từ khi xuất hiện vào năm 2019, virus SARS-CoV-2 đã có nhiều đột biến, trong đó Omicron hiện là biến thể gây bệnh phổ biến nhất hiện nay. Điều nguy hiểm là biến thể này đã có nhiều đột biến và hình thành nhánh phụ, trong đó có BA.5.

Biến thể phụ mới BA.5 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 2/2022, hiện nay đã lan sang hơn 60 quốc gia trên thế giới. Hiện nay đã có ca bệnh nhiễm biến thể BA.5 ở Việt Nam mang nhiều đột biến trên protein gai khiến độ bám của virus vào tế bào của vật chủ nhanh và dễ dàng hơn.

Ngoài ra, những đột biến này cho phép virus lẩn tránh hệ miễn dịch phát hiện sớm, do đó người có miễn dịch nhờ tiêm vắc xin hay từng mắc COVID-19 trước đó vẫn có thể bị nhiễm lại.

Dự báo biến thể BA.5 của Omicron không nguy hiểm như Delta trước đây, nhưng theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì diễn biến sắp tới khó lường và rất có thể gây ra một làn sóng dịch mới.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nuôi cấy trên tế bào ghi nhận virus có biến thể BA.5 phát triển nhanh tại phổi và gây triệu chứng bệnh nghiêm trọng trên chuột hamster. Tuy nhiên, cho đến nay không có bằng chứng lâm sàng cho thấy biến thể BA.5 khiến bệnh COVID-19 nặng hơn trên người.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, sau đây là 4 triệu chứng điển hình khi mắc Omicron, trong đó bao gồm cả Omicron BA.5: Ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, chảy nước mũi

Bằng chứng sơ bộ từ nghiên cứu cho thấy rằng những người chưa từng được tiêm vắc xin mà bị nhiễm những phiên bản trước đó của Omicron, chẳng hạn như BA.1 vẫn sẽ tái nhiễm BA.5.

Những trường hợp tử vong thường gặp ở người cao tuổi, hệ miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh lý nền đi kèm hoặc người chưa được tiêm phòng vắc xin.

289699131_395117452653028_8330018927751516168_n.jpeg
Người dân đăng kí tiêm phòng vắc xin COVID-19 - Ảnh: HCDC

Người dân cần tiêm phòng vắc xin đẩy đủ

Theo bác sĩ Hiền Minh, hiện nay vẫn chưa có vắc xin nhắm trúng đích vào biến thể mới BA.5. Giống như các biến thể Omicron đã xuất hiện trước, BA.5 cũng có thể né tránh một phần, song  vẫn thể hiện được hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc giảm tỷ lệ tử vong cho những người bị nhiễm.

Kháng thể sau tiêm vắc xin liều cơ bản hoặc bị nhiễm bệnh COVID-19 qua các nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy sẽ giảm đáng kể sau 10-19 tuần, đặc biệt với biến thể Omicron.

Và thật sự là BA.5 không phải là biến thể cuối cùng của virus gây bệnh COVID-19. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cũng như tiêm chủng  theo lịch tiêm được Bộ Y tế khuyến cáo. Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới liên tục xuất hiện trong tương lai.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - biến chủng phụ BA.5 có thể sẽ tạo ra làn sóng dịch nhỏ ở Việt Nam nhưng sẽ không làm tăng nhiều số ca nặng và tử vong. Như vậy, người dân cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng với biến chủng phụ này. Nhớ rằng BA.5 không phải là biến chủng cuối cùng.
Cụ thể hơn, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với hoàn cảnh và sinh hoạt và tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm được ngành y tế khuyến cáo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến chủng delta trước đó.

Tuy nhiên, đa số các dữ liệu lâm sàng đều cho thấy việc đã tiêm vắc xin có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị.

Từ một góc độ khác, tuy các biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với nhiễm các biến thể trước đó, đặc biệt sau khi đã tiêm chủng vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh, các dữ liệu cũng cho thấy biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỷ lệ nhỏ (đáng kể so với biến chủng delta trước đây) người mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ.

Ngay cả khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người bị nhiễm các biến thể Omicron cần nhập viện, khi có một số lượng lớn các ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra khả năng gây các biến chứng hậu COVID-19 của các biến chủng này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biến thể phụ BA.5 mới xuất hiện ở Việt Nam có nguy hiểm không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO