Mức giá phi lý?
Sáng 13/1 đã chứng kiến một "cơn địa chấn" trên sàn đấu giá biển số kể từ khi phiên đấu đầu tiên được tổ chức ngày 15/9/2023. Biển số ngũ quý 9 của Hà Nội 30K-999.99 được chốt giá lên tới 75,275 tỷ đồng chỉ sau 30 phút, phá rất sâu kỷ lục trả giá của những biển số VIP trước đó và vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. Số tiền này đắt hơn cả chiếc xe siêu sang Mercedes-Maybach S 600 Pullman (60 tỷ đồng) và Rolls-Royce Phantom VIII (70 tỷ đồng) khi lăn bánh tại Việt Nam.
Với mức giá khó tin này, không ít người quan sát còn hài hước nói rằng, hay tại người chơi bị ... "kẹt bàn phím"? Cũng là ngũ quý 9 nhưng biển số 36A - 999.99 của Thanh Hóa chỉ chốt giá 5,285 tỷ đồng (đấu lần 2 ngày 25/10/2023).
Tham gia phiên đấu giá biển số ngũ quý 9 này, anh Nguyễn Hữu Dũng - chủ salon ô tô xe sang Hà Tiến, đồng thời là người có tiếng trong giới chơi biển số đẹp ở Hà Nội cho biết, chỉ sau vài phút, anh cũng đành "lắc đầu", không thể theo được bởi giá đã bị đẩy lên quá cao.
"Trước khi đấu giá, công ty tôi đã bàn bạc, đưa ra mức dự tính sẽ mua biển ngũ quý 9 này với số tiền là 40 tỷ đồng và khá tự tin bước lên sàn. Thế nhưng chỉ sau mấy phút đã có người trả đến 50 tỷ, 60 tỷ rồi 75 tỷ. Khi đó chúng tôi không đấu nữa vì giá đã đi quá xa so với dự kiến", anh Dũng chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Lê Thành Công - một người rất thạo về biển số đẹp ở Hà Nội cũng cho rằng, dù ngũ quý 9 luôn là biển số VIP nhất trong hàng ngũ quý, nhất là khi được gắn với đầu số Thủ đô, tuy nhiên mức giá được trả lên đến 75 tỷ đồng là quá cao, thậm chí đến mức phi lý. Anh Công cho rằng, với những biển siêu VIP thì rất khó định giá cụ thể, nhưng chỉ ở khoảng 20-30 tỷ là khả thi.
"Với giá hơn 75 tỷ tôi nghĩ sẽ khó ai có thể thanh toán để gắn lên xe, thế nên khả năng người chơi bỏ cọc là rất cao. Điều này cũng không phải không có tiền lệ vì người trúng chủ yếu là giới buôn, không tìm được khách sẽ phải chấp nhận mất 40 triệu tiền cọc. Lúc đó, lại phải đấu giá lại gây rất mất thời gian, công sức của nhiều người", anh Công chia sẻ.
Trước đó, nhiều biển số đẹp gây sốt với mức giá cao ngất cũng đã rơi vào số phận bị khách hàng bỏ cọc, điển hình nhất là biển số 51K-888.88 (TP.HCM) trúng hơn 32 tỷ đồng (phiên 15/9/2023), biển 30K-555.55 của TP Hà Nội trúng 14,120 tỷ đồng (phiên 15/9/2023); biển 30K-567.89 của TP.Hà Nội bị khách bỏ cọc tới 2 lần, từng trúng giá 13,075 tỷ đồng (15/9/2023) và 16,47 tỷ đồng (28/10/2023)... Trong đó, cặp biển 51K-888.88 và 30K-567.89 ban đầu thuộc về một vị khách ở Thanh Hóa trúng liền lúc với tổng trị giá trúng lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Tại thời điểm này, cộng đồng đã nổ ra tranh cãi nghi ngờ về mức giá ảo và khả năng bỏ cọc của vị khách ở Thanh Hóa này.
Kết quả là sau 15 ngày, vị khách này đã bỏ cọc đúng như dự đoán.
Nên phân biệt kho biển số đẹp và biển số VIP để áp mức đặt cọc cao hơn
Anh Nguyễn Đình Tùng (TP.HCM) nêu ý kiến, trong trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, có thể cho phép người trả giá cao tiếp theo (thứ 2, 3, 4...) trong phiên đấu giá biển số ấy có lựa chọn tiếp tục mua biển số.
Tuy nhiên, theo diễn biến sáng 13/1, mức giá cao thứ 2 là 75,270 tỷ, cao thứ 3 là 75,170 tỷ đồng và hàng chục mức giá kế sau là các ngưỡng 30-40-50-60 tỷ, đều là các con số cao "không tưởng". Bước giá trong 1 lần trả có lúc nhảy cóc lên 5 tỷ đồng, gấp 1.000 lần bước giá tối thiểu (5 triệu đồng).
"Tôi nghĩ phía Cục CSGT và Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam nên xem lại quy chế đấu giá, chia kho số thành số đẹp và số VIP, trong đó mức tiền đặt cọc đối với các biển số ngũ quý, sảnh rồng (VIP) nên tối thiểu phải là 300 triệu. Điều này hạn chế việc thổi giá rồi bỏ cọc, tạo thuận lợi cho những người có nhu cầu thực sự", anh Tùng nói.
Đáng chú ý, chỉ 22 phút sau khi ca đấu giá kết thúc (10h15-10h45) chốt kết quả 75,275 tỷ đồng cho biển 30K-999.99, lúc 11h07, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam bất ngờ đưa ra khuyến cáo trên trang Fanpage công ty như sau: "Căn cứ điểm c, khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản: Người nào có dấu hiệu “cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá” gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức đấu giá và đơn vị có tài sản sẽ được chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra làm rõ hành vi để thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật".
Khuyến cáo này khiến không ít người liên tưởng tới màn trả giá gây sốc vừa diễn ra trước đó.
Từ giá khởi điểm 40 triệu đồng, tại giây thứ 36, một tài khoản đã trả ngay 2,995 tỷ đồng. Chỉ sau 1 phút, biển siêu VIP được đẩy lên 30 tỷ đồng. 9 phút tiếp theo, con số trả giá đã hơn 75 tỷ đồng. Suốt 20 phút sau đó, con số 75,275 tỷ đồng được giữ nguyên cho đến khi hết giờ.
Liệu đây là màn trả giá nghiêm túc của một đại gia siêu giàu hay chỉ là chiêu trò "phá game"? Cộng đồng đang đặt dấu hỏi và nghi hoặc liệu có hành vi thổi giá, tạo giá ảo ở đây? Thông tin sẽ được minh bạch trong 15 ngày tới, là thời hạn người chơi cần hoàn thành nghĩa vụ tài chính để chiếc biển số thực sự thuộc về mình. Theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP, người trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá về tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt cọc 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày. Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt cọc sẽ không được hoàn lại và được nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn thế nào với nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!