Biến số khó lường ở Afghanistan

Thanh Hương (TTXVN)| 09/07/2021 14:36

Đất nước Afghanistan được đánh giá "đang ở vào tình thế quân sự vô cùng nhạy cảm" với những diễn biến phức tạp và vô cùng khó lường.

Một mặt, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban vẫn được thúc đẩy, dù chưa có nhiều tiến triển. Mặt khác, giao tranh giữa quân đội Afghanistan và các tay súng Taliban đang diễn ra ác liệt, gây thương vong cho dân thường ở mức đáng báo động. Làn sóng bạo lực gia tăng ở Afghanistan đang có nguy cơ làm chệch hướng tiến trình đối thoại và hòa giải chính trị ở quốc gia Tây Nam Á vốn chìm trong chiến tranh 20 năm nay, thậm chí còn có thể đẩy Afganistan vào một cuộc nội chiến mới.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ hiện trường giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và các tay súng Taliban tại Qala-i- Naw, tỉnh Badghis, ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố chung ngày 8/7 sau cuộc đàm phán được tổ chức tại thủ đô Tehran của Iran, các phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã nhất trí về nguy cơ chiến tranh tiếp diễn cũng như thiệt hại mà chiến tranh sẽ gây ra đối với sự thịnh vượng của đất nước.

Hai bên khẳng định rằng "chiến tranh không phải là giải pháp cho vấn đề Afghanistan và tất cả các nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị và hòa bình cần được chứng minh". Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán về một cơ chế cụ thể nhằm đạt được hòa bình lâu dài và xây dựng nhà nước Hồi giáo trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, diễn biến trên thực địa ở Afghanistan lại đang gây lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi tuyên bố "giao tranh đang diễn ra ác liệt" với Taliban, sau khi các tay súng này tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Qala-i-Naw, thủ phủ của tỉnh Badghis Tây Bắc Afganistan.

Giao tranh giữa quân đội Afghanistan và Taliban gia tăng sau khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu bắt đầu rút quân khỏi chiến trường Tây Nam Á này từ ngày 1/5, trong đó Taliban đã mở rộng quyền kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ, chiếm đóng lại nhiều khu vực, chủ yếu ở miền Bắc - nơi sinh sống của các nhóm sắc tộc thiểu số.

Theo thống kê của tạp chí Long War Journal, trước ngày 1/5, Taliban kiểm soát 73 trong số 398 quận/huyện thuộc 34 tỉnh của Afghanistan, trong khi Chính phủ Afghanistan kiểm soát 115 quận/huyện, và 210 quận/huyện khác ở trong trạng thái giằng co. Tuy nhiên, đến ngày 7/7, Taliban đã kiểm soát 196 quận/huyện, và khu vực kiểm soát của Chính phủ Afghanistan chỉ còn 74 quận/huyện.

Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan, hiện vẫn nắm giữ các tỉnh/thành chủ chốt, các thành phố lớn như Kabul, Kandahar, Kunduz, Herat...., đã mở chiến dịch tổng động viên quân, trang bị vũ khí cho dân thường và các lực lượng dân quân địa phương để đối phó với các cuộc tấn công của Taliban, đồng thời lên kế hoạch phản công tại các tỉnh miền Bắc nước này sau khi để mất quyền kiểm soát khu vực vào tay Taliban. Với thực trạng hiện nay, dư luận lo ngại bất ổn tại Afghanistan sẽ còn trầm trọng hơn và tiếp diễn trong thời gian tới.

Tình hình căng thẳng trên diễn ra song song với quá trình Mỹ và lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Afghanistan, theo thỏa thuận hòa bình được Mỹ và Taliban ký kết ngày 29/2 năm ngoái nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa nhóm Hồi giáo này với Chính phủ Afghanistan. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ từng bước rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan, đổi lại, Taliban cam kết đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành một căn cứ để các nhóm khủng bố, bao gồm cả al-Qaida, tấn công nhằm vào các lợi ích của phương Tây.

Hai bên cũng nhất trí thực hiện trao đổi tù nhân giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các cuộc đàm phán trong nội bộ quốc gia Tây Nam Á này, trên cơ sở thay thế chính phủ hiện nay tại Afghainistan bằng một chính quyền lâm thời chia sẻ quyền lực cho đến khi có cuộc bầu cử theo Hiến pháp mới. Chính quyền Mỹ hy vọng việc thừa nhận tính hợp pháp chính trị của lực lượng Taliban sẽ mở đường cho cuộc đối thoại nội bộ ở Afghanistan nhằm mang lại “một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện”, từ đó đạt được giải pháp hòa bình ở Afghanistan.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu thực hiện lộ trình chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan từ ngày 1/5 vừa qua với cam kết sẽ rút hoàn toàn binh lính ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này trước ngày 11/9. Cho tới nay, kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn tất 90%, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/7 cũng thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến, vào ngày 31/8 tới. Tuy vậy, giao tranh giữa quân đội Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bùng phát mạnh đang khiến dư luận hoài nghi về tác động của thỏa thuận rút quân này.

Trên thực tế, sau 20 năm kể từ khi Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan tháng 10/2001, lật đổ chính quyền Taliban cầm quyền khi đó, bạo lực và bất ổn vẫn bao trùm đất nước Afghanistan, bất chấp sự hiện diện của lực lượng nước ngoài. Thống kê của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) cho biết kể từ năm 2009 đến cuối năm 2020, đã có hơn 38.000 dân thường thiệt mạng và hơn 70.000 người bị thương. Trong ba năm gần đây, các vụ xung đột đã khiến hơn 395.800 người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa.

Đặc biệt, kể từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình tại Afghanistan ngày càng xấu đi do bạo lực leo thang. UNAMA cho biết số thương vong dân thường tăng 29% trong quý I/2021, với 573 người thiệt mạng, 1.210 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người, tương đương hơn 1/3 dân số, cần hỗ trợ nhân đạo.

Tình trạng bạo lực leo thang đã "phủ bóng" lên tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, được khởi động từ tháng 9/2020 về một lộ trình chính trị hướng tới thiết lập chính quyền chuyển tiếp tại Afghanistan, khi mà bản thân việc đại diện chính quyền Kabul và Taliban ngồi lại thương lượng với nhau đã là điều hết sức khó khăn sau hàng thập niên mất lòng tin giữa hai bên. Ngay trong chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani cũng nảy sinh mâu thuẫn nội bộ sâu sắc về vấn đề chia sẻ quyền lực và cho phép các thành viên Taliban tham gia chính phủ lâm thời. Nhiều ý kiến lo ngại Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa thông qua việc tận dụng quy trình bầu cử.

Trong khi đó, phái cứng rắn trong Taliban luôn cho rằng ý tưởng giảm các vụ tấn công bạo lực có thể đồng nghĩa với việc lực lượng Afghanistan sẽ tìm cách mở rộng ảnh hưởng, chứ không phải là nhằm đạt được hòa bình. Nói cách khác, việc "giảm bạo lực" có thể khiến Taliban giảm lợi thế trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, Taliban được cho sẽ không từ bỏ mục tiêu tái lập một "Tiểu vương quốc Hồi giáo" tại khu vực. Mặc dù chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đã khởi động các cuộc thảo luận xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp, chính phủ tương lai cũng như các điều khoản ngừng bắn, song gần như chưa đạt được nhất trí nào, bởi kỳ vọng của mỗi bên trong cuộc đàm phán về cơ bản là khác nhau.

Phát biểu ngày 8/7 tại thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này "hiện đang ở một trong những giai đoạn phức tạp nhất". Tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ đang đối mặt với thử thách khắc nghiệt mà bạo lực leo thang khiến nguy cơ đổ vỡ ngày càng tăng. Sự nghi kỵ, chia rẽ sắc tộc và phe phái vốn đã rất sâu sắc tại đất nước này đang tạo ra những biến số khó lường, khiến mục tiêu đạt được giải pháp cuối cùng ở Afghanistan trên cơ sở một thỏa thuận chính trị lâu dài được cả chính quyền Kabul và Taliban chấp nhận, thêm xa vời.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biến số khó lường ở Afghanistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO