'Biển người' đổ ra đường trong đêm Trung thu: Nhiều người quá chủ quan

MINH AN (t/h)| 22/09/2021 16:02

Hàng loạt tuyến phố trung tâm TP Hà Nội đông đúc, ùn tắc hàng dài vì lượng người và phương tiện đổ về khu vực phố cổ dạo chơi Trung thu.

Nhiều chuyên gia cho rằng người dân Hà Nội nếu không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch thì sẽ có nguy cơ lây lan dịch, bao nhiêu công sức phòng chống dịch của TP thời gian qua sẽ bị ảnh hưởng.

trung-thu1.jpeg
Dịp Trung thu 2021 đúng vào thời điểm Hà Nội không kiểm tra giấy đi đường

Nói về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng người dân đã quá chủ quan trong phòng chống dịch bệnh khi vẫn đi chơi Trung thu rất đông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Hà Nội hiện nay vẫn còn nguy cơ dịch COVID-19, chính quyền TP nới lỏng nhưng ý thức người dân lại không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Hiện dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Đây là tín hiệu mừng.

Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp. Hà Nội nới lỏng giãn cách là đúng đắn, tuy nhiên sau một thời gian dài giãn cách người dân có tâm lý "muốn ra đường" do vậy cần hết sức chú ý. Do tình hình dịch của TP vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết các ca trong cộng đồng.

trung-thu2.jpeg
Nhiều người ra đường sau 2 tháng ở nhà vì giãn cách xã hội

"Lúc này, chúng ta không nên chủ quan. Càng lúc này, người dân càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Người dân cứ chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Ví dụ như đêm qua trong số những người đi chơi Trung thu đó có những ca F0 trong cộng đồng thì rất nguy cơ rất cao. Nếu người dân không ý thức phòng dịch thì lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong toả…", PGS-TS Trần Đắc Phu nêu vấn đề.

Còn PGS-TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng “nguy cơ bùng phát dịch trở lại là cao”.

trung-thu3.jpeg
Phố Hàng Mã thời điểm trước 19h30 đông đúc người mua sắm đồ chơi Trung thu

Bởi theo PGS. TS Việt Hùng, Hà Nội mới chỉ nới lỏng giãn cách và F0 vẫn tiềm ẩn ở ngoài cộng đồng chứ không phải đã loại bỏ hết.

“Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 chứ đã bỏ hết giãn cách đâu, đã phải về bình thường như trước đâu mà lại để người dân ào ào đổ ra đường như vậy?”, PGS.TS Hùng lo ngại.

Quan trọng nhất ở thời điểm nới lỏng này theo PGS. TS Hùng không nên căn cứ vào số F0 nhiều hay ít, cũng không thể trở về trạng thái trước đây, do đó, khi trở về trạng thái “bình thường mới” cần phải quản lý những đối tượng có nguy cơ và chỉ cho phép người có nguy cơ lây nhiễm thấp cho cộng đồng thì được đi lại, đi làm trước, chứ không thể cào bằng.

Đối với việc người dân vi phạm khoảng cách 5K tại khu vực phố cổ Hà Nội vào đêm Trung thu theo PGS. TS Hùng có thể xử phạt nhưng “nếu không có tiêu chí giới hạn người ta trước thì cũng khó”.

“Không nhẽ phạt hàng nhìn người? Nên cần phải có sự chủ động trước để hạn chế tình trạng này. Theo đó, chính quyền cần có quản lý phù hợp”, PGS. TS Hùng nói.

Có xử phạt người đi chơi trung thu?

Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Trịnh Thị Việt Kiều, PGĐ Cty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, việc Hà Nội áp dụng một số biện pháp nới lỏng giãn cách không đồng nghĩa với việc gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp/quy định về phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, Hà Nội vẫn áp dụng và duy trì Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020; 15+ (tăng cường thêm một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế). Bổ sung áp dụng Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 20/9/2021,...

Tiếp tục duy trì các chốt, nhiều hoạt động vẫn tạm dừng; tăng cường kiểm soát và đề nghị người dân thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế...

Do đó, các hành vi vi phạm các quy định áp dụng hiện hành đều sẽ bị/phải bị xử phạt nghiêm. Việc xử phạt thì áp dụng theo các văn bản quy định hiện hành đối với từng hành vi, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi gây ra.

Theo đó nếu người dân cố tình vi phạm 5K thì sẽ xử phạt theo Nghị Định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020. Trong trường hợp cố tình vi phạm 5K gây hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan dịch bệnh cho người khác) thì không còn đơn thuần bị xử phạt Hành chính mà bị xem xét xử lý hình sự theo điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổ, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Cụ thể, tại Điều 240, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tiền tối tối thiểu từ 50.000.000 đồng; phạt tù tối thiểu từ 1 năm đến tối đa 12 năm. Ngoài ra, tội cố tình vi phạm 5K gây hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan dịch bệnh cho người khác) còn có thể bị áp dụng biện pháp bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

(Theo Infonet, Người lao động, Tuổi trẻ)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Biển người' đổ ra đường trong đêm Trung thu: Nhiều người quá chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO