Biển Đông: Từ quản trị cạnh tranh đến tiếng nói của ASEAN

Phương Hằng| 30/04/2023 12:07
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Nhìn nhận về tình hình Biển Đông trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, nếu không có được cơ chế quản trị rủi ro thì những “cơn sóng ngầm” lúc nào cũng có thể xảy ra, nảy sinh nguy cơ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Dường như Mỹ và Trung Quốc đang có những va chạm trực diện hơn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có cả khu vực Biển Đông, Đại sứ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Rõ ràng cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc ngày càng gia tăng phức tạp, trên cả phạm vi toàn cầu lẫn trong khu vực, trong đó có liên quan đến Biển Đông.

Có thể thấy những đan xen diễn biến cả thuận - nghịch rất phức tạp và đa chiều. Xu hướng chung vẫn là ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Nhất là, ASEAN đóng vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực để xây dựng cộng đồng hợp tác, không chỉ trong ASEAN mà với các đối tác.

Các nước lớn đều coi trọng ASEAN, sẵn sàng hợp tác với ASEAN, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Họ có rất nhiều sáng kiến đóng góp cho khu vực này về hợp tác phát triển, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay nước biển dâng…

Tuy nhiên, cạnh tranh của nước lớn cũng đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là sức ép chọn bên hay những rủi ro va chạm. Tổng hòa lại, đó là bức tranh chung của khu vực.

Trong bối cảnh đó, tôi nhận thấy có liên quan đến Biển Đông, trong đó có tự do, an ninh hàng hải, hàng không. Đã có những vụ việc gần như va chạm, tạo ra những rủi ro lớn. Do vậy, cần nhìn nhận vấn đề ở những khía cạnh sau:

Một là, làm sao phải quản trị cạnh tranh của các nước lớn để có thể cùng với ASEAN và các nước trong khu vực thúc đẩy xu hướng hợp tác, đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và phát triển ở đây.

Hai là, Biển Đông không phải là câu chuyện riêng của một quốc gia nào mà là lợi ích chung của tất cả các nước, của khu vực cũng như các nước lớn. Do đó, cần phải có những cơ chế để quản trị rủi ro, không để xảy ra những va chạm kể cả ngoài ý muốn, từ đó dễ dẫn đến những cọ xát xung đột, gây mất ổn định trong khu vực.

Ba là, chắc chắn các nước khu vực đều rất mong muốn các nước lớn dù cạnh tranh nhau nhưng phải làm sao quản trị được cạnh tranh và không xâm phạm vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Cuối cùng, chính các nước lớn cũng thấy rằng, để tránh xảy ra xung đột, họ cần phải có những cơ chế để kiểm soát được rủi ro về va chạm ngoài ý muốn này.

Như vậy, tựu trung, trong bối cảnh khu vực và Biển Đông có sự phức tạp, cạnh tranh nước lớn gia tăng, điều quan trọng nhất là phải thúc đẩy được xu hướng hợp tác ở khu vực, điều này mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, chỉ có hòa bình, ổn định mới có hợp tác phát triển.

Phải chăng “những cơn sóng ngầm” âm ỉ có thể nổi lên bất cứ lúc nào, các nước lớn cũng như các bên liên quan trong khu vực cần phải làm gì lúc này để tránh những căng thẳng không mong muốn leo thang?

Trong câu chuyện Biển Đông có hai mặt của một vấn đề. Một mặt, các nước đều mong muốn Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định và hợp tác. Để đạt được điều này, có rất nhiều nước, đặc biệt là ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc là tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; kiềm chế không làm gì phức tạp tình hình; phải thượng tôn pháp luật, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và xây dựng lòng tin.

Thế nhưng, mặt khác, rõ ràng chúng ta chứng kiến rất nhiều hoạt động phức tạp tại Biển Đông trong thời gian vừa qua như những yêu sách đòi hỏi về chủ quyền quá mức, trái với những quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS; những hiện tượng và sự việc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc quyền tài phán hợp pháp của các quốc gia ven biển khác…

Vậy nên, rõ ràng, nếu không có được cơ chế quản trị rủi ro thì những cơn “sóng ngầm” lúc nào cũng có thể xảy ra, nảy sinh nguy cơ đối với hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải. Yêu cầu chung lớn nhất có lẽ chúng ta cần nhấn mạnh những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và những nguyên tắc mà ASEAN đã có, trong đó có những nguyên tắc đã được đề cao trong Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC).

Khái quát lại, tôi muốn nhấn mạnh một số điểm, thứ nhất, hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải là câu chuyện lợi ích chung mà quốc gia nào, các nước trong khu vực, các nước có liên quan và kể cả các nước khác đều phải có trách nhiệm đóng góp. Bởi lẽ, Biển Đông quan trọng với tất cả các nước, cả về kinh tế, chiến lược, hòa bình, an ninh, trong đó có an toàn tự do hàng hải và hàng không.

Thứ hai, dù thế nào chăng nữa, nói đến trật tự trên biển thì phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, đây là điều cực kỳ quan trọng. UNCLOS 1982 là “hiến chương” của đại dương, vậy nên tất cả các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ, nhất là trong khu vực Biển Đông khi tồn tại nhiều phức tạp như vậy.

Thứ ba, cần phải nhấn mạnh không được làm gì phức tạp thêm tình hình. Thời điểm hiện nay khi đã có bài học của hơn 20 năm triển khai DOC, cho thấy một số điều quan trọng, bao gồm xây dựng lòng tin; không làm gì để phức tạp thêm tình hình và tuân thủ luật pháp quốc tế; không sử dụng sức mạnh để áp đặt chủ quyền lên quốc gia khác; giải quyết tranh chấp bằng hòa bình; có cơ chế để xử lý những rủi ro không mong muốn xảy ra.

Cuối cùng, ngoài luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, trong khu vực cũng có rất nhiều quy tắc ứng xử mà các bên đều chấp nhận chẳng hạn như trong khuôn khổ Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC); các tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó có “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” được công bố năm 2012 mà được các nước, không chỉ ASEAN ủng hộ; hay như DOC.

Những điều này cho thấy nỗ lực của ASEAN cần được các nước ủng hộ, bao gồm cả các nước lớn. Việc hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần phải tính đến yếu tố mới này, trên cơ sở vừa kế thừa, vừa phát triển hơn nữa các nguyên tắc đã được đề ra ở DOC.

Ngư dân miền trung vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Đăng Khoa
Ngư dân miền trung vươn khơi đánh bắt hải sản. (Ảnh: Đăng Khoa)

Theo Đại sứ, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn tại khu vực gay gắt như hiện nay, ASEAN có thể đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực?

Mục tiêu lớn nhất của ASEAN là hợp tác hòa bình, phát triển, hữu nghị với tất cả các nước, đồng thời ASEAN đi vào xây dựng Cộng đồng. Để làm được điều đó, có một số điều để ASEAN có thể phát huy.

Trước hết, ASEAN có một vị trí đặc biệt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. ASEAN có cơ chế đa phương đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đề cao hợp tác hoà bình và phát triển.

Bên cạnh đó, ASEAN có các cơ chế của mình, đồng thời có các cơ chế để có thể hợp tác được với các đối tác, trong đó có các nước lớn dù họ cạnh tranh nhau.

Thêm nữa, ASEAN trên thực tế là cơ chế duy nhất trong khu vực kết nối với tất cả các nước lớn và các đối tác chủ chốt trên thế giới để có thể phối hợp xây dựng chương trình nghị sự chung của khu vực cũng như các kế hoạch chung để ứng phó với thách thức chung như an ninh hàng hải, nguồn nước, biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Tất cả những điều đó ASEAN đều làm được, cho nên cần phát huy vị thế này của mình.

Ngoài ra, trước những vấn đề của khu vực, ASEAN cần phải có tiếng nói để thể hiện những nguyên tắc đó của mình, đặc biệt cần nói lên được sự ủng hộ cái đúng và phê phán cái sai. Chính tiếng nói của ASEAN được các nước ủng hộ sẽ tạo thành cách ứng xử và những chuẩn mực ở khu vực.

Kế đến, ASEAN phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. ASEAN đã làm được như với TAC, DOC hay Tuyên bố Bali… đây đều là những văn kiện quan trọng được các nước thừa nhận và ủng hộ.

Sau cùng, thế giới ngày nay có những xu hướng có thể tranh thủ để phát triển hơn nữa thịnh vượng ở khu vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch. Đây là những lĩnh vực mà các nước lớn có tiềm năng và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác. Cho nên, ASEAN phải tranh thủ hơn nữa những xu hướng này để phát triển về công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/bien-dong-tu-quan-tri-canh-tranh-den-tieng-noi-cua-asean-225082.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/bien-dong-tu-quan-tri-canh-tranh-den-tieng-noi-cua-asean-225082.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông: Từ quản trị cạnh tranh đến tiếng nói của ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO