Biến động mạnh tài sản các tỷ phú Việt giàu nhất: Tỷ phú mới nổi rớt hạng, bầu Đức soán vị trí của ông Trịnh Văn Quyết

01/04/2022 08:46

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tháng 3 biến động dù vẫn có mức tăng nhẹ 2,15 điểm của VN-Index.

Sự kiện gây chú ý nhất thị trường trong tháng 3/2022 là tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, và sau đó là việc ông Quyết bị cơ quan CSĐT bắt tạm giam vì thao túng chứng khoán.

Theo thống kê tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC giảm giá mạnh, ngoại trừ GAB tăng 0,56%. Cụ thể, FLC giảm 12%, ROS giảm 12%, ART giảm 24,5%. Mức giảm này khiến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết “bốc hơi” 350,642 tỷ đồng, còn 3.947 tỷ đồng sau khi kết thúc tháng.

Đáng chú ý, nếu tính từ phiên 28/3, tài sản của Trịnh Văn Quyết đã giảm 842 tỷ đồng chỉ sau 4 phiên. Riêng cổ phiếu GAB không có giao dịch nào trong suốt 4 phiên này.

Như vậy, ông Trịnh Văn Quyết đã giảm một bậc trên bảng xếp hạng các tỷ phú chứng khoán, xuống vị trí 45, đồng thời nhường lại vị trí 44 cho ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG.

Trong khi đó, Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán có sự thay đổi ở vị trí thứ 10 khi bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long) 'nhường' vị trí này cho ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa.

Ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup ghi nhận giá trị tài sản tăng tới 9.000 tỷ đồng trong tháng 3, đạt mức 175.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, dù vẫn giữ vị trí thứ 2 nhưng giá trị tài sản đã giảm 2.500 tỷ đồng do cổ phiếu HPG giảm 4,5%. Tính đến 31/3 tài sản của ông Long đạt 52.600 tỷ đồng.

“Ngôi sao” mới nổi Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine, đã không còn giữ được phong độ khi cổ phiếu SSH và KSF cùng giảm giá trong tháng qua. Từ vị trí thứ hai trong top 10 người giàu nhất sàn, ông Tuấn rời về vị trí thứ 3.

Niềm vui của ông Tuấn là cổ phiếu SCG tăng 1,2% và đặc biệt là KLB tăng tới 39%. Tuy nhiên, tính chung sau một tháng giá trị tài sản của người giàu thứ 3 này vẫn giảm 600 tỷ đồng, còn 43.275 tỷ đồng.

Bất ngờ nhất thuộc về bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang, đang giữ lần lượt vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng. Giá cổ phiếu MSN đã giảm tới 8,8% trong tháng qua, nhất là trong khoảng 10 phiên gần nhất. Do đó, tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh giảm 3.500 tỷ đồng, còn 37.593 tỷ đồng sau một tháng. Cùng thời gian này, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, giảm 3.539 tỷ đồng, còn 36.825 tỷ đồng.

Ở vị trí thứ 6, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo có thêm gần 100 tỷ đồng từ việc cổ phiếu VJC nhích nhẹ 0,2%. Theo đó, tài sản của bà Thảo hiện là 35.969 tỷ đồng.

Đại gia bất động sản Bùi Thành Nhơn, nhà sáng lập Novaland, có thêm 1.900 tỷ đồng trong tháng qua, nâng giá trị tài sản lên mức 33.300 tỷ đồng, đứng thứ 7 trong danh sách tỷ phú chứng khoán.

Vị trí thứ 8 thuộc về ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch PDR. Giá trị tài sản của ông Đạt tăng 1.100 tỷ đồng lên 21.800 tỷ đồng sau khi PDR tăng 5,2%.

Ông Nguyễn Đức Thụy, cổ đông lớn của Thaiholdings và LienVietPostBank, ghi nhận tài sản giảm 430 tỷ đồng sau khi THD và LPB lần lượt giảm 2,6% và 4% trong tháng qua. Hiện tại tài sản của ông Thụy tại hai mã này còn 15.217 tỷ đồng.

Vị trí thứ 10 trong danh sách này thuộc về ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa. Nhờ việc giá cổ phiếu VCS tăng 9,5% nên ông Năng trở lại Top 10 với khối tài sản trị giá 14.941 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ đồng trong tháng 3/2022.

Hiền Anh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biến động mạnh tài sản các tỷ phú Việt giàu nhất: Tỷ phú mới nổi rớt hạng, bầu Đức soán vị trí của ông Trịnh Văn Quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO