Thăm chiến trường xưa mới bất ngờ thấy ảnh mình trên nóc xe tăng
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Bá Tứ (sinh năm 1953 tại con ngõ trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá. Bước từng bước khó nhọc, chậm rãi từ trên tầng xuống, ông Tứ mấp máy miệng cất lời chào nhưng không thành tiếng. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1957) trở thành người "phiên dịch" trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Trên tường nhà, ông Tứ treo bức ảnh xe tăng 846 thời điểm tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hưởng (TTXVN), dưới bánh xích là cánh cổng dinh đã bị húc đổ. Bên cạnh đó là bức ảnh cả gia đình chụp lưu niệm trước địa điểm lịch sử này trong chuyến đi thăm chiến trường xưa mấy năm trước.
Ít ai biết ông Tứ là một cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Nhập ngũ năm 1971, ông là pháo thủ số 2 của xe tăng 846 (Lữ đoàn Tăng Thiết Giáp 203, Quân đoàn 2), một trong những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Sau khi rời quân ngũ, ông Tứ làm thợ điện rồi chuyển sang lái xe du lịch. Năm 2011, ông bị ung thư thanh quản, phải phẫu thuật, dẫn tới mất tiếng. Vùng cổ ông luôn phải dán bông băng để che đi vết mổ. Kể từ đó, mỗi lần nói chuyện với ai, ông Tứ đều phải viết ra giấy hoặc nhờ vợ truyền đạt lại.
Cũng chính vì khó khăn khi giao tiếp nên ông Tứ ghi ra giấy để kể về câu chuyện những ngày tháng không quên cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 846 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và giờ phút tiến vào Dinh Độc Lập.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc 17h ngày 26/4/1975, xe tăng 846 nổ phát súng đầu tiên mở màn tại căn cứ Nước Trong. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đến ngày 29/4 mới kết thúc. Sau đó, xe tăng 846 cùng với những chiếc xe tăng khác tiến vào Sài Gòn, mục tiêu là Dinh Độc Lập. Trưa ngày 30/4/1975, ông Tứ có mặt trên chiếc xe tăng 846 với sứ mệnh lịch sử chiếm đóng tổng hành dinh của Ngụy quyền Sài Gòn.
Về sau này, ông Tứ mới biết đến sự tồn tại của bức ảnh chụp lại khoảnh khắc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập trong lần cùng cả gia đình viếng thăm chiến trường xưa. Lúc ấy, ông bất ngờ nhận ra chính mình đang đứng trên nắp chiếc xe tăng 846 trong bức ảnh treo tại bảo tàng Dinh Độc Lập. Ông đã khoe với vợ con trong niềm xúc động bồi hồi.
Từ ngày bị bạo bệnh, sức khỏe ông Tứ yếu hơn, phải uống thuốc thang hàng ngày để chống chọi với bệnh tật. "Những hôm trời lạnh, người khác chỉ cần mặc 3 áo, tôi phải mặc 5 áo mới đỡ lạnh", ông vừa mấp máy môi vừa đếm áo trong khi bà Mùi diễn giải lại giúp chồng.
Không khó để hình dung những thách thức với người cựu chiến binh phải sống trong cảnh không nói nên lời đã hơn 10 năm qua. Thế nhưng, khi đề cập về sức khỏe của mình, ông Tứ vẫn chia sẻ: "Còn sống trở về là may mắn hơn nhiều đồng đội nằm xuống rồi. Bộ đội Cụ Hồ bom đạn không chết được thì có bệnh tật cũng bình thường thôi!".
Giúp con vượt qua nỗi đau da cam
Xuất ngũ trở về, ông Tứ được xác định bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng ông sinh được 3 người con (một gái, 2 trai), trong đó con gái tên là Nguyễn Thị Thùy Hương (sinh năm 1978), do hậu quả của chất độc da cam, mất sức lao động hoàn toàn.
Từ ngày ông Tứ bị bệnh, bà Mùi dồn hết tiền của để lo chạy chữa cho chồng. Một mình bà gồng gánh mọi việc để lo chữa bệnh cho chồng và nuôi 3 con. Hàng ngày, bà làm đồ ăn sáng rồi mang ra đầu ngõ bán, kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của gia đình ông bà rất khó khăn.
Người con trai thứ 2 của người chiến sĩ trên nóc xe tăng năm xưa là anh Nguyễn Bá Tùng (sinh năm 1981), ít nhiều bị ảnh hưởng chất độc da cam nên thể trạng cũng ốm yếu. Trước đây, anh Tùng làm cho một công ty du lịch nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên mất việc, phải làm đủ nghề để kiếm tiền giúp đỡ cho bố mẹ, vợ con.
Cậu con trai út của ông bà tên là Nguyễn Bá Tùng Lâm (sinh năm 1997), tốt nghiệp ngành du lịch đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên phải từ bỏ ước mơ, đi làm cho cửa hàng bán xe để có tiền trang trải cuộc sống.
Với con gái đầu là chị Thùy Hương, dường như vợ chồng ông Tứ dành tình yêu thương, chăm sóc đặc biệt bởi con phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Lúc mới sinh ra, chị Hương bình thường, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác nhưng càng lớn cơ thể càng cứng lại, biến dạng. Bác sĩ kết luận chị bị nhiễm chất độc da cam thể trạng liệt cứng.
Không đầu hàng trước số phận, vợ chồng bà ròng rã bao nhiêu năm trời đưa con đi chữa bệnh, châm cứu, vật lý trị liệu ở khắp nơi để "cứu" con, giúp Hương bớt bị ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam. Kết quả, chị Hương dần giữ được thăng bằng tốt hơn để biết ngồi, biết đi, tách được phần cổ và đầu khỏi dính vào vai để có thể ngẩng đầu thẳng lên.
Ông Tứ và bà Mùi suy nghĩ, muốn chị Hương không trở thành gánh nặng, phải đồng hành cùng con, kiên trì chỉ bảo, rèn luyện cho con dần tự lập nhất trong khả năng có thể. Ông bà bắt đầu hướng dẫn cho con tập làm những việc nhỏ nhất như quét nhà, rửa bát, nhặt rau, tắm rửa, vệ sinh cá nhân... kiên trì từng chút một.
Bà Mùi còn đăng ký cho con gái Thùy Hương tham gia câu lạc bộ "Giữ lửa yêu thương" của Hội nạn nhân chất độc da cam quận Ba Đình để giao lưu với bạn đồng cảnh ngộ, giúp giải tỏa áp lực tinh thần, để Hương sống vui, hạnh phúc hơn.
"Tôi cùng chồng cũng đưa Hương đi học chữ. Nhiều lần con khóc lóc, muốn bỏ cuộc nhưng chúng tôi lại động viên phải cố gắng. Đến giờ con đã tự viết được họ và tên. Rồi để cơ thể con không bị cứng thêm nữa, ngày nào tôi cũng phải cùng con tập những động tác thể dục nhẹ nhàng", bà Mùi chia sẻ.
Trong lúc bố mẹ tiếp khách, chị Thùy Hương, với dáng người nhỏ bé, khuôn miệng méo xệch, chân tay co quắp, đi lại khó khăn vẫn luôn chân tay rửa bát, dọn dẹp khu bếp và rán xúc xích cho cháu trai là con anh Tùng ăn. Làm xong việc, chị lấy điện thoại, vào facebook, trò chuyện với bạn bè.
Được biết, ông Tứ và con gái đang được hưởng trợ cấp chất độc da cam 1,8 triệu đồng/tháng. Bà Mùi làm chi hội trưởng Chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Ngọc Hà để hỗ trợ, truyền cảm hứng cho các gia đình đồng cảnh ngộ khác.
Hơn 40 năm xảy ra đủ biến cố, gia đình nhỏ của người lính pháo binh xe tăng 846 vẫn giữ vững được tinh thần lạc quan, yêu thương và hi vọng vào tương lai.