Bị 'trả lại' chục nghìn tỷ vốn ODA, Bộ Tài chính nêu cách khắc phục

31/10/2022 15:46

Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi 9 tháng năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm hơn 11 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn ODA. Năm 2020 bị "trả lại" hơn 14 nghìn tỷ, 2021 "trả lại" trên 20 nghìn tỷ.

Trong văn bản giải trình vừa gửi các Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính thừa nhận, thời gian qua, nhiều địa phương, Bộ, ngành đề nghị được trả lại kế hoạch vốn ODA đã giao không có khối lượng hoàn thành để hoàn chỉnh hồ sơ giải ngân và điều này "đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu".

Tuy nhiên, cá biệt cũng có trường hợp đề nghị thôi không sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi do vướng mắc trong quá trình lập dự án đầu tư.

Theo cơ quan này, tổng hợp sơ bộ, các nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương đưa ra, gồm: cơ quan chủ quản nhận thấy không thể đáp ứng các điều kiện sử dụng vốn khi trao đổi với nhà tài trợ; vốn vay nước ngoài có điều kiện vay (lãi suất vay cao, thời hạn vay ngắn) không phù hợp với tính chất dự án; dự án không còn thuộc diện ưu tiên của địa phương, Bộ ngành; thời gian chuẩn bị đầu tư của dự án dài (do các vướng mắc về thủ tục phê duyệt giải phóng mặt bằng, v.v.)...

Giải ngân đầu tư công, trong đó có vốn ODA chưa đạt như kế hoạch. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ngoài ra, còn có lý do thời gian hoàn thành các thủ tục trong và ngoài nước để sử dụng vốn quá lâu, không đảm bảo đáp ứng tính cấp bách của dự án nên chuyển sang sử dụng nguồn vốn khác.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và khuyến nghị các cơ quan chủ quản cần nghiên cứu kỹ về tính chất, điều kiện và các thủ tục của nguồn vốn đề nghị huy động ngay từ giai đoạn đề xuất sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, đánh giá tính phù hợp của nguồn vốn đề xuất với dự án dự kiến đầu tư, khả năng đáp ứng các điều kiện sử dụng vốn.

Trường hợp có những yếu tố không khả thi, đề nghị không đề xuất sử dụng (không huy động) để tránh lãng phí thời gian, kinh phí xây dựng dự án cũng như tạo gánh nặng nợ công khi vay vốn.

Để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi thời gian tới, Bộ Tài chính cho hay Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chủ quản dự án là các Bộ, địa phương phải chịu trách nhiệm xây dựng dự án, dự kiến nguồn vốn huy động phù hợp với dự án và triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng trả lại vốn như thời gian qua.

Đối với các dự án ODA, báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý tình trạng chậm giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA đã kéo dài nhiều năm qua chưa được khắc phục. 9 tháng năm 2022 mới giải ngân được 19,03%.
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bi-tra-lai-chuc-nghin-ty-von-oda-bo-tai-chinh-neu-cach-khac-phuc-2075422.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/bi-tra-lai-chuc-nghin-ty-von-oda-bo-tai-chinh-neu-cach-khac-phuc-2075422.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bị 'trả lại' chục nghìn tỷ vốn ODA, Bộ Tài chính nêu cách khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO