Bí thư Đinh Tiến Dũng: 5 ngày ca mắc giảm, Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch

Phạm Đông| 16/03/2022 22:54

Hà Nội - Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, số liệu thống kê những ngày gần đây cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới của Hà Nội đã giảm. Thành phố đánh giá có lẽ bắt đầu qua đỉnh dịch.

Bí thư Đinh Tiến Dũng: 5 ngày ca mắc giảm, Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Chiều 16.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị đối thoại với đoàn viên, thanh niên Thủ đô năm 2022. Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực.

Tại cuộc gặp mặt và đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin thêm về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên địa bàn thành phố.

Ông Dũng cho biết, suốt mấy tuần liền, số lượng ca mắc mới ở Hà Nội luôn ở mức bình quân 30.000 - 31.000 ca/ngày, nhưng con số thống kê đã giảm mấy ngày gần đây, như hôm qua (15.3) giảm xuống 26.000 ca/ngày.

"Chúng tôi theo dõi, đánh giá có lẽ bắt đầu qua đỉnh dịch. Trên 99% người mắc bệnh trong thời gian vừa qua được điều trị tại nhà, rất nhẹ khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, 3 mũi" - ông Dũng nhận định.

Thông tin về những lĩnh vực ưu tiên của thành phố trong nhiệm kỳ này, Bí thư Thành ủy cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, thành phố xác định lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, cấp thiết, có điểm nhấn để ưu tiên triển khai, nhằm tạo ra những đột phá quan trọng. Trong đó, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, phát triển hạ tầng giao thông… 

Nói riêng về lĩnh vực y tế, ông Đinh Tiến Dũng cho hay, trong bối cảnh dịch vừa qua, xếp hạng y tế của Thủ đô so với cả nước "dù cao nhưng rất mong manh".

Ông thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần nhìn nhận lại, như việc quá tải hệ thống y tế ở xã, phường. Theo đơn vị hành chính, mỗi xã, phường có 1 trạm y tế với 5 người, tối đa 10 người. Tuy nhiên, ở những phường có đến 9 vạn dân khi dịch bùng phát nhưng với đội ngũ y tế chỉ tối đa 10 người làm sao chống chịu được?

Do đó, ông đề nghị phải huy động các lực lượng y tế ngoài công lập và phải có cơ chế chính sách cho việc này.

"Lực lượng y tế Trung ương trên địa bàn nhưng có chừng mực thôi, quan trọng là hệ thống tổ chức, hệ thống chính trị cơ sở. Thanh niên tình nguyện phải vào cuộc, các tổ theo dõi, hỗ trợ phải vào cuộc, các tổ COVID-19 phải vào cuộc" - ông Dũng nói.

Bí thư Thành uỷ cho biết, với sự đoàn kết, đồng lòng, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô đã gặt hái được nhiều thành tích quan trọng, bảo vệ Hà Nội an toàn trong dịch bệnh. Thích ứng linh hoạt, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của đoàn viên, thanh niên thành phố.

Đánh giá về tổ chức Đoàn, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Đoàn Thanh niên thành phố luôn chủ động, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, Đoàn Thanh niên thành phố đã kịp thời chuyển hướng linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, dám chọn và thực hiện việc mới, việc khó, điển hình như trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo tin từ Sở Y tế, ngày 16.3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 26.220 ca COVID-19 (giảm 488 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 8.854 ca cộng đồng và 17.366 ca đã cách ly. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, thành phố có số ca mắc giảm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Đinh Tiến Dũng: 5 ngày ca mắc giảm, Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO