Bị táo bón kéo dài, trẻ dễ bị thủng ruột, ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác

07/04/2022 07:00

Theo các bác sĩ, khi bị táo bón trẻ sẽ lười ăn, dẫn đến bị suy sinh dưỡng và dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa cũng như ung thư trực tràng.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận bé trai 6 tuổi, được tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiếp tục hồi sức, chống sốc, ổn định huyết áp để đưa bệnh nhi qua cơn nguy kịch.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé có tình trạng táo bón kéo dài bắt đầu từ năm 3 tuổi. Ban đầu, họ cho con đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó, vì bận công việc, một phần nghĩ táo bón không nguy hiểm, ba mẹ đã không tiếp tục theo đuổi việc điều trị cho con.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đánh giá, bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng đường ruột nặng, gây tắc ruột khiến bụng trướng nhiều. Khả năng bé bị thủng ruột do tình trạng viêm ruột quá nặng gây ra. Bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu ngay sau khi hồi sức tạm ổn định.

tre-bi-tao-bon.jpg
Một em bé suýt tử vong khi được chữa táo bón bằng lá lộc  Mại. Ảnh: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

ThS.BS Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ, quá trình phẫu thuật ghi nhận phần lớn ruột già của bé dãn lớn, ứ nhiều phân, bị viêm hư hại gần như toàn bộ. Đặc biệt, vị trí đại tràng ngang (phần ruột già nằm giữa bụng) đã bị thủng khiến phân thoát vào ổ bụng gây nên tình trạng nguy kịch của bé. Các bác sĩ phẫu thuật đã nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn ổ nhiễm trùng là đại tràng viêm hoại tử, làm sạch ổ bụng cho bệnh nhi.

Sau một tuần điều trị hậu phẫu tích cực, sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện tốt, ăn uống được và được xuất viện.

Táo bón là vấn đề thường gặp ở trẻ em, thông kê cho thấy, có ít nhất 30% trẻ bị bệnh này cần được quan tâm. Theo bác sĩ Tánh, trẻ bị táo bón đa phần do chế độ ăn uống chưa thích hợp, nhưng một số trường hợp có bệnh kèm theo. Hay gặp nhất là bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ, cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo BS.CKII Trương Cẩm Trinh, Trung tâm chăm sóc sức khỏe, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, khi bị táo bón kéo dài ngoài bị thủng ruột như trường hợp trên, trẻ sẽ dễ gặp các bệnh sau:

Chậm phát triển về thề chất và trí tuệ

Khi bị táo bón, trẻ sẽ thường bỏ ăn hoặc biếng ăn. Giảm hấp thu dưỡng chất, vitamin và chất khoáng. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển về thể chất và trí tuệ hơn so với trẻ bình thường.

Trẻ sợ ăn

Theo bác sĩ Trinh, khi bị táo bón trẻ sẽ gặp chứng sợ ăn. Vị bác sĩ giải thích, mỗi khi ăn vào, trẻ lại lại nghĩ đến việc ăn xong sẽ phải đi vệ sinh. Điều này khiến nhiều trẻ bị ám ảnh, sợ ăn.

Tăng nguy cơ bị ung thư hậu môn trực tràng

Phân ở trẻ bị táo bón thường khô, cứng với lượng độc tố cao trong đó có chất gây ung thư acid deoxycholic, acid lithocholic… Khi chất thải nằm lâu trong đại tràng sẽ làm tăng thời gian tiếp xúc giữa các chất gây ung thư đại tràng cho trẻ.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa

Phần lớn những trẻ bị táo bón thường dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm đại tràng, rối loạn nhu động ruột, rối loạn tiêu hóa…

Suy kiệt

Suy kiệt, suy dinh dưỡng là hậu quả của táo bón ở trẻ. Điều này có lẽ không cần bàn cãi. Việc táo bón thường xuyên lâu ngày, không được điều trị sẽ dẫn đến việc trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, gầy còm, thiếu máu. Việc phân ú đọng lâu trong đại tràng gây tình trạng nhiễm độc mạn tính ở trẻ.

em-be-duoc-bac-si-tham-kham.jpg
Theo các bác sĩ, khi trẻ bị táo bón kéo dài, cha mẹ cần đưa con đến khám ở cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2.

Nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm

Theo bác sĩ Võ Thị Thanh, Trung tâm Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, khi bị táo bón, trẻ cần phải được khám chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều gia đình thường chủ quan, không đưa con đến gặp bác sĩ mà tự chữa tại nhà bằng các phương pháp dân gian, mua thuốc nhuận tràng uống… cho trẻ uống.

Bệnh viện Bạch Mai Bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi được chẩn đoán rối loạn đại tiểu tiện. Từ nhỏ, bệnh nhi đã biếng ăn, đi ngoài khó (2-3ngày/lần). Tuy nhiên, gia đình chỉ chữa trị tại nhà bằng việc mua thuốc nhuận tràng và men tiêu hoá cho bệnh nhi uống theo chỉ định của dược sĩ. Khi dừng thuốc, bệnh nhi bị táo bón trở lại và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo, trẻ bị táo bón, sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh không được lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài.

Để hạn chế tình trạng táo bón cho trẻ, cần điều chỉnh chế độ ăn và sữa phù hợp với độ tuổi của bé. Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, nhất là những loại nước trái cây có tính nhuận trường cao như cam, lê, táo, mận… Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, tránh dùng nhiều nước có ga và thức ăn ngọt.

Bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn của bé bằng cách xay thêm rau xanh vào bột hay cháo.

Ngoài ra, cần hình thành thói quen cho trẻ đi đại tiện, chẳng hạn như vào buổi sáng hay sau khi ăn xong. Phụ huynh cần yêu cầu bé đi tiêu vào thời gian cố định, chẳng hạn sau bữa sáng hoặc sau bữa tối hàng ngày.

Cần biến giờ đi tiêu trở thành trò vui vẻ, với những phần thưởng nho nhỏ, chẳng hạn đọc cho bé câu chuyện yêu thích hay cho bé chơi trò thổi bong bóng xà phòng sau khi đi vệ sinh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bị táo bón kéo dài, trẻ dễ bị thủng ruột, ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO