Đó là chia sẻ của "kỳ lân" J&T Express khi gặt hái được nhiều thành công tại thị trường Việt Nam chỉ sau 4 năm hoạt động.
Theo báo cáo của CB Insights công bố cuối tháng 12/2021, J&T Express hiện đang là kỳ lân số 2 thế giới trong lĩnh vực giao nhận. Thương hiệu này đang phát triển nhanh chóng với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là dịch vụ chuyển phát nhanh và hậu cần xuyên biên giới.
Tính đến nay, dịch vụ J&T International của thương hiệu này đã mở rộng mạng lưới ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần đây nhất là thị trường Trung Đông, Mexico... Tại Việt Nam, J&T Express đã có mặt tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Trong nội dung chia sẻ của mình, đại diện J&T Express nhận xét nhu cầu giao hàng chuyển phát nhanh của người dân Việt Nam không còn gói gọn ở phạm vi trong nước mà đã mở rộng ra các thị trường nước ngoài, theo sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT).
Giờ đây, một doanh nghiệp vừa và nhỏ hay một hộ gia đình vừa tập tành kinh doanh trực tuyến cũng có thể dễ dàng bán hàng ra nước ngoài.
Theo “Sách trắng Thương mại điện tử năm 2020”, doanh thu TMĐT B2C toàn cầu từ năm 2019 – 2023 dự kiến tăng gấp rưỡi, từ 1.948 tỷ USD lên 2.883 tỷ USD. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam được dự đoán có mức độ tăng trưởng rất khả quan.
Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp chuyển phát nhanh (CPN) phát triển mạng lưới rộng khắp để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Đối với khía cạnh này, các doanh nghiệp CPN nước ngoài có nguồn vốn đầu tư lớn sẽ có nhiều ưu thế.
Bên cạnh đó, muốn phát triển bền vững tại một thị trường, một doanh nghiệp nước ngoài cần thấu hiểu những yếu tố đặc trưng của thị trường địa phương để đưa ra chiến lược bản địa xuyên suốt cũng như những chiến dịch “đo ni đóng giày” cho nhu cầu phát sinh của thị trường trong nước.
Gốc rễ cho một chiến lược bản địa hóa thành công không thể thiếu sự thấu hiểu các yếu tố kinh tế xã hội trong nước. Lấy ví dụ thực tế từ bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, dòng lưu thông hàng hóa bị đứt gãy, giá nhiên liệu biến động đã khiến giá vận chuyển leo thang… Nhận thấy sự nhạy cảm về giá của thị trường trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp chuyển phát thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi cho khách hàng và đối tác, cố gắng duy trì cước vận chuyển ở mức hợp lý.
Việt Nam có lợi thế với lực lượng lao động trẻ dồi dào và năng động. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác nguồn nhân lực, nhưng cũng đặt doanh nghiệp nước ngoài trước thách thức không nhỏ trong việc phát triển toàn diện cả về chất và lượng cho đội ngũ nhân viên.
Bên cạnh thách thức về mặt nhân sự, ứng dụng công nghệ để "giao thoa" được với người dùng trong nước đang được xem là bí quyết thành công của nhiều doanh nghiệp toàn cầu. Với các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, bên cạnh website và ứng dụng di động, họ cần phải triển khai dịch vụ chăm sóc khách hàng làm việc 24/7, thành lập các group hỗ trợ trên Facebook… để phù hợp với nhu cầu thông tin liên lạc của riêng người Việt.