Bí quyết giúp 'thiên đường nhiệt đới' ở Ấn Độ Dương sạch bóng muỗi

27/09/2024 12:52

MALDIVES - Khu nghỉ dưỡng Soneva Fushi nằm trên đảo Kunfunadhoo cho biết đã áp dụng các biện pháp đặc biệt thân thiện với môi trường, để chống muỗi và một số loại côn trùng trên đảo.

Chắc hẳn không ít du khách từng bị muỗi đốt khi đang tản bộ ngắm cảnh hay nằm thư giãn bên bờ biển. Ngay cả những chuyện tưởng là nhỏ xuất phát từ loài côn trùng này cũng có thể gây ảnh hưởng lớn tới kỳ nghỉ.

Ngoài những phiền toái đơn thuần như gây ngứa hay kích ứng da, muỗi còn có nguy cơ truyền các bệnh nghiêm trọng hơn như sốt rét, sốt xuất huyết hay zika.

32491_Soneva Fushi Island Aerial  1600x900.jpg
Khu nghỉ dưỡng Soneva Fushi trên đảo Kunfunadhoo. Ảnh: Soneva Fushi

Chính vì lẽ đó, Soneva Fushi, một khu nghỉ dưỡng trên đảo Kunfunadhoo ở "thiên đường nhiệt đới" Maldives giữa Ấn Độ Dương, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách diệt trừ loài gây hại này mà không phải sử dụng hóa chất.

Soneva đã hợp tác với Biogents, một công ty có trụ sở tại Đức, chuyên phát triển bẫy muỗi bằng chất dẫn dụ thân thiện với môi trường.

Arnfinn Oines, Giám đốc phụ trách các vấn đề xã hội và môi trường của Soneva, cho biết: "Chúng tôi luôn muốn tìm cách diệt trừ muỗi mà không cần sử dụng hóa chất độc hại".

319_Soneva Fushi Fresh in the Garden  1600x900.jpg
Muỗi trên đảo đặc biệt nhiều vào khoảng tháng 5 - tháng 11. Ảnh: Soneva Fushi

Đảo Kunfunadhoo thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới muỗi, đặc biệt là thời điểm gió mùa từ tháng 5 đến tháng 11, khi lượng muỗi tăng đột biến.

Phía khu nghỉ dưỡng đã từng thử nghiệm nhiều loại bẫy bắt muỗi khác nhau nhưng không có hiệu quả.

Ông Oines cho biết các phương pháp như phun hóa chất đã được "áp dụng một cách kín đáo" nhưng chắc chắn gây ra sự khó chịu tới khách lưu trú.

Ngoài ra, những phương pháp này chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, rồi muỗi tiếp tục quay trở lại vì "nhờn thuốc" trong khi số lượng các loài côn trùng khác như bướm, chuồn chuồn, ong đất và bọ cánh cứng, lại giảm đi đáng kể.

sd3523153.jpg
500 bẫy muỗi sinh học được đặt quanh đảo. Ảnh: CNN Travel

Lần đầu tiên khu nghỉ sử dụng hệ thống diệt muỗi mới là vào năm 2019 với hai loại bẫy khác nhau, đặt hơn 500 chiếc quanh đảo. Loại bẫy đầu tiên, được gọi là BG-GAT, dành cho muỗi đã đốt người và đang tìm nơi đẻ trứng.

Loại thứ hai, BG-Mosquitaire CO2, có tác dụng thu hút muỗi đói bằng cách sử dụng CO2 được tạo ra thông qua quá trình lên men đường và nấm men, cùng với axit lactic có đặc tính giống da người.

“Loại bẫy này độc đáo và hiệu quả ở chỗ nó mô phỏng da người và mùi mồ hôi, khiến muỗi 'hiểu nhầm' bay tới và dính bẫy. Trong vài tuần đầu tiên, các bẫy đã bắt được hàng nghìn con muỗi mỗi ngày", ông Oines chia sẻ.

fsa213424.jpg
Nhân viên thường xuyên dọn dẹp để muỗi không sinh sôi. Ảnh: Soneva Fushi

Ngoài sử dụng bẫy, khu nghỉ dưỡng còn thường xuyên nhắc nhở nhân viên dọn dẹp những tấm bạt, vỏ dừa rơi xuống hay bất kỳ thứ gì có thể chứa nước đọng, giúp muỗi sinh sản.

Phía khu nghỉ dưỡng cho biết chương trình đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Số lượng muỗi trên đảo giảm đáng kể, tới 98% trong năm đầu tiên.

"Chúng tôi đếm số lượng muỗi bắt được hàng ngày. Càng về sau, công việc trở nên dễ dàng hơn vì muỗi giảm mạnh. Mỗi năm, du khách quay lại đây đều để lại những nhận xét tích cực vì họ thấy được sự khác biệt", ông Oines vui mừng cho biết.

39500_Villa 1 Photos at Soneva Fushi  1600x900.jpg
Khu nghỉ dưỡng chia sẻ bí quyết diệt muỗi cho các đảo lân cận. Ảnh: CNTraveller

Hệ thống bẫy Biogents cũng đã chứng minh được hiệu quả cao sau nhiều năm áp dụng. Nhờ việc ngừng sử dụng hóa chất, những loài côn trùng bản địa của Maldives đã phát triển mạnh mẽ trở lại.

"Những loài thụ phấn tự nhiên có xu hướng trở lại dồi dào. Điều này có nghĩa hòn đảo có nhiều hoa và quả hơn, đồng thời thu hút nhiều loài chim tới bờ biển Kunfunadhoo", ông Oines chia sẻ thêm.

Trở thành hòn đảo không có muỗi đầu tiên ở Maldives, phía khu nghỉ dưỡng Soneva cũng đã chia sẻ bí quyết này cho các khu vực lân cận.

"Chúng tôi hi vọng trong tương lai Maldives sẽ là nơi sạch bóng muỗi", đại diện khu nghỉ dưỡng cho biết.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bi-quyet-giup-thien-duong-nhiet-doi-o-an-do-duong-sach-bong-muoi-2325828.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/bi-quyet-giup-thien-duong-nhiet-doi-o-an-do-duong-sach-bong-muoi-2325828.html
Bài liên quan
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
  • Nhịp sống cửa ô ở Hà Nội sau 200 năm
    Nằm trên một trong những con phố ngắn nhất Hà Nội, Ô Quan Chưởng vẫn vẹn nguyên kể từ thế kỷ 18. Bước qua cửa ô là nhịp sống buôn bán tấp nập của người phố cổ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết giúp 'thiên đường nhiệt đới' ở Ấn Độ Dương sạch bóng muỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO