Trong khi các con tập trung hết tâm sức để ôn luyện trước khi thi tốt nghiệp THPT, bố mẹ cũng đóng vai trò không thể thiếu để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và giúp các em giảm bớt áp lực để vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất. Để làm được điều đó, phụ huynh nên làm gì?
1. Hạ thấp những kỳ vọng
Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con cái có một tương lai tốt đẹp nhưng không có nghĩa là áp đặt những kỳ vọng cá nhân của mình lên con cái. Tình trạng bố mẹ “ép” con thi vào những ngôi trường có tiếng, học ngành nọ ngành kia theo ý muốn riêng mà không quan tâm đến sở thích và năng lực học tập của chúng vẫn đang tồn tại không ít trong thực tế cuộc sống.
Chính điều đó khiến nhiều thí sinh bị áp lực đè nặng, thậm chí khi sợ hãi khiến tinh thần và khả năng học tập bị ảnh hưởng, kết quả thi đương nhiên cũng ảnh hưởng theo. Đã có nhiều trường hợp học lực của trẻ rất tốt nhưng do áp lực của gia đình làm trẻ căng thắng dẫn đến kết quả thi không được như ý.
2. Không quá áp đặt con
Dạy dỗ, nhắc nhở, khích lệ, công tác tư tưởng... đều là điều cần thiết và tốt cho các con. Tuy nhiên, bố mẹ cần làm những điều đó một cách chân tình, cảm thông, tôn trọng chứ đừng hù dọa hay áp đặt con quá gây phản tác dụng. Cha mẹ nên cùng trẻ lên lịch hoạt động ôn tập chi tiết dựa trên khả năng và mong muốn của trẻ, sau đó cùng trẻ giám sát việc thực hiện kế hoạch chứ đừng cái gì cũng nhất nhất bắt trẻ phải làm theo ý muốn chủ quan của bố mẹ.
Nhiều cha mẹ tự tạo thời gian biểu cho con một lịch trình dày kín chỉ học với học mà quên rằng con cũng cần thời gian đi chơi, thời gian thư giãn, học quá nhiều trong một thời gian dài không chỉ gây áp lực về việc tiếp thu kiến thức mà tâm lý sợ hãi cũng như rối tung của não bộ là không tránh khỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học hành và thi cử.
3. Quan sát và quan tâm, chia sẻ
Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết nhiều học sinh trông có vẻ bình thường nhưng lại có nhiều cảm xúc tiêu cực trong mùa thi căng thẳng. Đa số các em học sinh giấu đi những cảm xúc này vì sợ cha mẹ thất vọng hoặc không muốn thừa nhận các vấn đề nghiêm trọng của bản thân. Chính vì vậy, trong giai đoạn thi cử, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian để quan sát con cái. Nếu thấy con mệt mỏi do học tập quá nhiều, hãy khuyên con nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi năng lượng. Nếu con cái có những dấu hiệu stress như mệt mỏi, đau cơ, mất ngủ, nóng giận vô cớ...t hì cần chủ động nói chuyện và chia sẻ với con cái.
Tuy nhiên, con bậc phu huynh nên khéo léo quan sát từ xa chứ không nên quản lý sát sao vì theo dõi “nhất cử nhất động” dễ khiến các em càng cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng.
4. Động viên và khích lệ các con kịp thời
Áp lực học tập đè nặng đôi khi khiến tính tình con cũng bị thay đổi, nhạy cảm và dễ bùng nổ. Vì vậy, việc lắng nghe và khích lệ con, kịp thời hỗ trợ con vượt qua khó khăn là điều bố mẹ nhất định phải chú ý thực hiện. Hãy dành thời gian bên con, động viên và chăm sóc con đầy đủ cả về sức khỏe lẫn tinh thần để con được thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi.
Một khi con mệt mỏi với việc tiếp thu bài vở trên lớp, về nhà không nhận được sự quan tâm thấu hiểu của bố mẹ, các con sẽ càng thấy chán nản, thất vọng, suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến kết quả học tập và thi cử.
5. Không so sánh hay đưa hình mẫu tiêu biểu làm thước cho con
Con sẽ rất áp lực trong mùa thi và khó chịu khi phụ huynh hay so sánh các con với một người khác, hoặc lấy người khác làm thước đo khả năng của con, đánh giá và chỉ trích con. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng đó là cách tốt để thúc đẩy con học tập nhưng thực tế nó không những hạ thấp khả năng trình độ của con mà còn tạo ra tâm lý không thoải mái, thậm chí gây áp lực nặng nề và tổn thương cho con.
Nhiều đứa trẻ luôn day dứt trong lòng là tại sao bố mẹ sinh ra mình mà không thương yêu mình, cứ thích mình phải giống người khác? Thay vì quan tâm thấu hiểu mình lại đi quan tâm bạn khác?... Tình trạng đó kéo dài sẽ khiến khoảng cách cha mẹ và con cái sẽ càng ngày một xa hơn, trẻ chán nán và tự thu mình vào thế giới nhỏ của mình, ngại giao tiếp với bố mẹ cũng như tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Chính vì vậy, cha mẹ nên biết trân trọng mọi sự cố gắng của con mình, đừng trách móc con trước những người lạ để con cảm thấy được bảo vệ, yêu thương. Có như thế, áp lực trong việc học mới không tăng cao, thay vào đó con sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân vì cha mẹ luôn tin tưởng, ủng hộ con.
6. Chơi thể thao cùng con
Chơi thể thao được xem là một bài “thuốc tự nhiên” để chống lại căng thẳng hiệu quả. Do đó, dù học hành bận rộn đến đâu, các bậc phụ huynh hãy luôn khuyến khích con mình bớt chút thời gian tham gia luyện tập thể thao để thay đổi không khí, giải thỏa căng thẳng. Cha mẹ có thể chủ động chơi cùng con để có thể gần gũi, nắm bắt suy nghĩ và chia sẻ cùng con những khó khăn, áp lực mà chúng đang đối mặt. Hãy làm cho con trẻ cảm thấy rằng cha mẹ là những người bạn đồng hành chứ không phải là người tạo ra sức ép trong mùa thi.
Theo V.K - Vietnamnet