1. Phân loại trước khi cho vào tủ lạnh
Điều đầu tiên bạn cần phải ghi nhớ đó là hãy phân loại thực phẩm trước khi cho chúng vào tủ lạnh.
Đối với thịt cá
Đầu tiên, rửa sạch thịt cá và để ráo nước. Tiếp đó, hãy chia nhỏ mỗi phần thực phẩm tương ứng với mỗi bữa vào túi zip hoặc hộp đựng thực phẩm.
Chia nhỏ thực phẩm sẽ giúp bạn tránh được việc phải rã đông khối lượng lớn thực phẩm cùng một lúc, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm vào lần sử dụng sau.
Cuối cùng, đặt thực phẩm đã chia vào ngăn mát tủ lạnh (từ 2 - 4 độ C) nếu muốn sử dụng từ 3 - 5 ngày, hoặc ngăn đông tủ lạnh (khoảng -18 độ C) để sử dụng trong 3 tháng, thậm chí có thể tới 12 tháng nhưng càng sử dụng sớm càng tốt.
Phân loại thực phẩm giúp tủ lạnh gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.
Đối với rau củ
Đừng rửa sạch rau củ trước khi bảo quản nếu bạn chưa có nhu cầu sử dụng ngay. Điều cần làm là loại bỏ những phần bị úng, héo, đặc biệt không để rau củ bị dính nước.
Sau đó, hãy chia rau củ với lượng vừa phải vào túi zip hoặc túi nilong (có lỗ thoát khí) rồi đặt vào ngăn rau củ của tủ lạnh. Ngăn này được thiết kế riêng biệt với nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, giúp rau củ tươi ngon hơn.
Đối với trái cây
Với trái cây, nên phân loại 2 nhóm: nhóm trái cây nguyên vỏ nhóm trái cây đã cắt vỏ.
Với nhóm trái cây nguyên vỏ: Bạn hãy loại bỏ những phần cuống bị hư, những quả bị hỏng, rồi dùng khăn khô sạch để lau chùi bề mặt của quả. Cuối cùng, cho quả vào túi zip có lỗ thoát khí, đặt vào ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 5 độ C.
Với nhóm trái cây đã bỏ vỏ: Bảo quản trong hộp đựng thực phẩm kín có nắp, đặt trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ tối ưu từ 3 - 5 độ C và ăn càng sớm càng tốt.
Đối với thức ăn đã nấu
Với thực phẩm đã nấu chín, nên để nguội trước khi cho vào hộp đựng thực phẩm, rồi đậy kín và đặt ở nhiệt độ từ 2 - 4 độ C. Thời gian sử dụng hợp lý là trong khoảng 3 ngày. Bạn cũng có thể chia nhỏ lượng thức ăn trước khi bảo quản để giúp việc sử dụng được tiện lợi hơn.
Không nên để thực phẩm trong tủ lạnh mà không bọc túi hay chia vào hộp.
2. Không nhồi nhét quá nhiều đồ
Việc nhồi nhét quá nhiều đồ vào tủ lạnh có thể ảnh hưởng đến các luồng khí lạnh luân chuyển, khiến thực phẩm được làm lạnh không đồng đều. Đây sẽ là nguyên nhân làm cho thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng do không đủ lạnh.
3. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Môi trường bên trong tủ lạnh vẫn có thể xuất hiện nấm mốc, vi khuẩn từ thực phẩm, nếu bạn như bạn không thường xuyên vệ sinh tủ lạnh theo định kỳ.
Việc vệ sinh tủ lạnh giúp cho các động cơ của tủ lạnh được nghỉ ngơi, đồng thời hỗ trợ loại bỏ những cặn bẩn từ thực phẩm sót lại. Việc vệ sinh còn loại bỏ mùi hôi và tạo bầu không khí tươi lành bên trong tủ.
4. Không để đồ ăn quá lâu
Nhiều nghiên cứu cho biết việc bảo quản thịt, cá càng lâu bên trong tủ lạnh càng làm giảm đi chất dinh dưỡng của thực phẩm và có thể sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe.
Hơn nữa, quá trình cấp đông và rã đông cũng làm thất thoát tới 1/3 lượng chất béo hòa tan có trong thịt.
Trung bình mỗi lần đông - rã có thể giảm tới 20% chất dinh dưỡng thực phẩm. Theo đó, tùy từng loại thực phẩm mà bạn hãy cân nhắc việc bảo quản trong tủ lạnh.
Thực phẩm được sử dụng càng sớm càng tốt.
5. Đặt nhiệt độ phù hợp
Mỗi nhóm thực phẩm đều cần bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, riêng với rau củ thường được bảo quản bên trong ngăn mát từ 1 - 4 độ C.
Còn thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt và cá có thể giữ ở nhiệt độ từ 1 - 3 độ C hoặc ở ngăn đông -18 độ C.
Theo Đời sống pháp luật