Xem thêm: Bạo loạn ở giải VĐQG Indonesia, 127 người thiệt mạng
Số nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch trên sân Kanjuruhan, sau trận đấu Arema FC và Persebaya ở giải vô địch Indonesia, đã lên 129 người.
Theo nhà chức trách, đám đông đã cản trở lối ra, khiến các nạn nhân tử vong do ngạt thở và bị dẫm đạp. Đây là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử thể thao.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao cảnh sát sử dụng hơi cay trong cuộc bạo loạn?
Theo quy định của FIFA, trong điều 19, điểm b, việc giải tán người hâm mộ bằng hơi cay là không được phép.
Trong quy định an toàn và an ninh sân vận động của FIFA, có quy định rằng không được sử dụng súng hoặc khí ga hơi cay.
Tổng thanh tra cảnh sát Đông Java, Nico Afinta, giải thích rằng lực lượng an ninh có lý do chính đáng để sử dụng hơi cay vì những người ủng hộ Arema bắt đầu trở nên điên cuồng bằng cách chống lại các sĩ quan và phá hoại phương tiện.
Ông Nico Afinta nhấn mạnh: "Vì hơi cay, họ cùng đi theo một điểm, đó là lối ra".
La Nyalla Mattalitti, cựu chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI), cho rằng việc cảnh sát sử dụng hơi cay làm trầm trọng thêm vấn đề.
Ông La Nyalla chung cho rằng cảnh sát và BTC sân Kanjuruhan thiếu sự phối hợp dẫn đến thảm họa.
"Tôi không biết tại sao cảnh sát lại bắn hơi cay vào khán đài, tạo ra sự hoảng loạn hàng loạt", ông La Nyalla lên tiếng.
Ngoài ra, một vấn đề bất thường khác là 42.000 vé được bán ra, trong khi sức chứa hiện tại của sân Kanjuruhan là 38.000 người.
Mahfud MD - Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia - nhấn mạnh rằng việc bùng phát không liên quan gì đến cuộc đối đầu giữa CĐV hai đội, vì người hâm mộ Persabaya không được phép tham dự trận đấu.
Bộ trưởng bình luận: "Các nạn nhân thiệt mạng vì bị xô đẩy, chèn ép và dẫm đạp, cùng với việc thiếu không khí. Không có nạn nhân của hành động bạo lực giữa các cổ động viên".