Hơn 21h30 ngày 9/10, nhiều người lái xe, đẩy bộ xe máy ghé vào cây xăng ở khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Tại đây, dòng xe nối đuôi nhau, có người ngồi trên xe, có người xuống xe, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt được đổ xăng.
Anh Trường (ngụ tỉnh Bình Dương) bực bội, nói: "Xe hết xăng giữa đường, mình đẩy bộ nhiều cây số đến ngã tư Hàng Xanh mới có cây xăng và đợi ở đây hơn 10 phút. Từ tối qua, mình đi đến 4 cây xăng nhưng chỗ nào cũng đông người bất thường và chỉ mua được tối đa 20.000 đồng. Xăng thì ít, công việc của mình di chuyển thì nhiều".
Khi xe ôm hết xăng giữa đường
Cách Hàng Xanh không xa là cây xăng lớn ở giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, quận Bình Thạnh. Khoảng 22h, hàng loạt xe máy, ô tô chạy vào khu vực cây xăng rồi quay trở ra khi nhân viên lắc đầu, vẫy tay ra hiệu không còn nhiên liệu cung ứng. Một số trường hợp xe hết xăng, phải đẩy bộ tìm kiếm người bán xăng lẻ.
Trần Ngọc Tân (21 tuổi, sinh viên) chạy xe máy từ quận Gò Vấp sang quận Bình Thạnh chở người yêu đi chơi nhưng chưa đến nơi thì xe sắp hết xăng. "Nhà người yêu em cũng ở gần đây. Em định đổ đầy xăng đến chở bạn gái nhưng họ thông báo hết. Giờ em chưa biết tính sao", Tân nói rồi chạy xe đi.
Dừng xe bên đường, anh Lâm (30 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) ngao ngán cho biết, đây là cây xăng thứ 5 anh đến vẫn chưa được đổ xăng. Tối 9/10, anh bỏ nhiều cuốc xe dù quãng đường khách đặt không quá xa nhưng xăng trong bình không đảm bảo. "Đây là lần đầu trong đời tôi gặp cảnh này. Không có xăng thì nghề của tôi ảnh hưởng rất nhiều", anh Lâm cho biết.
Tài xế Lam (45 tuổi) rơi vào "thảm cảnh" hơn khi nhà anh ở huyện Hóc Môn, cách quận Bình Thạnh hàng chục cây số và xe không còn xăng. "Tôi đã ghé 4 cây xăng nhưng chỗ nào cũng báo hết. Không thể đón khách đã đành, giờ cũng chẳng biết sao để được về nhà", anh Lam buồn, nói.
Cô Mai (ngụ quận 3) năn nỉ cho đổ ít xăng đủ chạy về nhà nhưng nhân viên xua tay báo hết. Cô chia sẻ lái xe qua quận Bình Thạnh mua bánh phồng tôm mang về bán nhưng xăng sắp hết. "Xe tôi còn chạy được vài cây nữa, chắc phải dắt bộ hoặc kêu người nhà ra đón. Lần đầu tôi thấy cảnh này", cô Mai lắc đầu.
Cả xóm chia nhau đi mua xăng
Tại tuyến đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Phan Văn Hớn (quận 12) hàng loạt cây xăng đều đóng cửa, trừ cây xăng Petrolimex. Các cây xăng còn mở cửa, nhiều người đứng xếp hàng chờ đợi, có người phụ nhân viên tự đổ xăng và mang theo nhiều bình nhựa, chai nhựa mua xăng.
Cô gái tên Vy (23 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, sáng 9/10, có đổ xăng gần nhà nhưng chỉ được 20.000 đồng. Đến 21h, đọc thông tin mạng xã hội, Vy cùng người thân đi tìm cây xăng nhưng hầu hết đã đóng cửa. "Nhiều xe máy trong xóm gần nhà đã gần cạn xăng nên chúng tôi chia nhau tìm mua được hơn 100.000 đồng. Chúng tôi phải chia từng đó xăng cho nhiều xe", Vy chia sẻ.
Cô Hải (56 tuổi, ngụ quận 12) tìm liên tiếp 5 cây xăng trên các trục đường Phan Văn Hớn, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu nhưng tất cả đều đóng cửa. Cô cho biết: "Đến khi ghé được cây xăng tại đường Nguyễn Văn Quá thì đã có hàng chục người đang đợi, tôi phải đứng chờ hơn 20 phút mà chưa tới lượt mình".
Đoạn đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) từ cầu Bình Triệu tới nút giao đường Kha Vạn Cân có hai cây xăng. Hơn 21h30, một cây xăng dừng bán, quây rào sắt nên người dân có nhu cầu phải đổ dồn về cây xăng còn lại. Tuy nhiên, mỗi khách chỉ được mua tối đa 20.000 đồng và không bán cho người đem can nhựa đến mua.
Chị Nhi (24 tuổi) chia sẻ, chị cùng chồng khá vất vả để tìm kiếm cây xăng trong đêm. Tất cả cây xăng từ khu vực Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) tới địa điểm này đều đã ngừng bán. "Mọi người đổ dồn về đây nên phải đợi lâu mới mua được xăng. Tôi đã đứng đợi hơn 15 phút nhưng chưa thấy chồng tôi ra", chị Nhi thông tin.
Xin xăng để được về nhà
Trên đường Kinh Dương Vương, đoạn từ Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) đến vòng xoay Phú Lâm (quận 6) có 4 cây xăng đóng cửa, một số cây xăng mở cửa nhưng treo biển "hết xăng". Tuyến đường này giao nhiều quận, huyện nên xe thường xuyên chạy vào các cây xăng rồi lại chạy đi.
Theo anh Tài (21 tuổi), xăng xe còn ít nên anh lái xe tìm cây xăng nạp nhiên liệu. Anh chạy dọc tuyến đường Kinh Dương Vương, đi tiếp các tuyến lân cận quận Bình Tân, quận 6, qua quận 5 vẫn chưa tìm được chỗ đỗ xăng. Nhìn kim xăng báo cạn, trong lúc tuyệt vọng sắp dẫn bộ về nhà thì phát hiện một cây xăng còn bán. "Tôi xếp hàng đợi đến lúc được đổ xăng, tôi không hiểu sao nhiều cây xăng đóng cửa", anh Tài thắc mắc.
Trong khi đó, hơn 22h, anh Thanh Bình (ngụ huyện Nhà Bè) rẽ xe máy vào cây xăng trên đường Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức thì thấy tấm bản thông báo: "Hết xăng, còn dầu". Anh lắc đầu chia sẻ, buổi chiều, anh đổ xăng gần nhà thì nhân viên thông báo mỗi người chỉ được đổ 30.000 đồng.
Đến tối, khi đi khoảng 20km qua TP Thủ Đức, anh Bình tìm chỗ đỗ xăng nhưng quanh các con đường Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển, Lò Lu, các cây xăng đều đóng cửa. "Tôi sẽ tìm nhà người quen, xe họ còn nhiều xăng thì chiết ra cho xin một ít, nếu không tôi phải ở lại, không thể về nhà", anh Bình thở dài, nói.
Vì sao nhiều cây xăng đóng cửa?
Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, TPHCM…
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ; tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Theo TTXVN, đêm 9/10, qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 54 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu. Cụ thể, lý do chính khiến 54 cửa hàng trên địa bàn các quận Tân Bình, quận 12, huyện Bình Chánh... hết xăng do đã đặt xăng nhưng phía đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng.