Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học

Đinh Phương Nhung| 24/03/2023 10:38

Hội đồng chấm thi IELTS giữ kết quả thi của thí sinh để điều tra dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng của những học sinh lớp 12 chuẩn bị xét tuyển vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ.

Thời gian gần đây là thời điểm nhiều học sinh bắt đầu tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, phổ biến nhất là chứng chỉ IELTS, để phục vụ cho hình thức xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, một số em đang rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi bị hội đồng chấm thi giữ kết quả để thực hiện điều tra.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh không thể nhận được chứng chỉ IELTS theo đúng dự định ban đầu, làm cho các sĩ tử lo sợ và hoang mang vì có thể các em không nhận được chứng chỉ kịp thời để xét tuyển vào trường đại học mình mong muốn.

Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học - 1

Chứng chỉ IELTS là một trong những chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến được thí sinh sử dụng để xét tuyển vào đại học (Ảnh: Mỹ Hà).

Không biết vì sao bị giữ kết quả để điều tra

Em H.A (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS vào giữa tháng 2 và nhận được thông báo bị giữ kết quả vào đầu tháng 3 vừa qua.

"Khi nhận được email (thư điện tử - PV), em khá bối rối và lo lắng vì trong email không đề cập rõ lý do vì sao em bị giữ kết quả thi IELTS", H.A kể lại.

Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học - 2

Email thông báo kết quả thi IELTS của H.A bị giữ lại để điều tra (Nguồn: NVCC).

Ngay lập tức, em đã liên lạc với bên tổ chức thi để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tìm đến các hội nhóm trên mạng xã hội để tham khảo ý kiến từ những người từng bị giữ bài để điều tra giống mình.

Dựa trên chia sẻ từ những người đi trước, việc kết quả IELTS bị hội đồng chấm thi giữ lại để điều tra xuất phát từ việc nghi ngờ gian lận trong thi cử hoặc cần kiểm định lại kết quả của thí sinh do điểm thi 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bị chênh lệch nhiều.

Việc phát sinh tình huống bất ngờ khiến H.A lo lắng sẽ không kịp nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đại học em ứng tuyển vào cuối tháng 3 này. Do đó, H.A đã phải viết đơn xin đẩy nhanh tiến trình điều tra với mong muốn không để ảnh hưởng đến kế hoạch xét tuyển.

Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học - 3

Đơn xin đẩy nhanh tiến độ điều tra mà H.A gửi tới đội điều tra chứng chỉ IELTS (Nguồn: NVCC).

Trong đơn, H.A trình bày mong muốn được trả kết quả sớm để xét tuyển đại học, đồng thời kể lại quá trình ôn luyện IELTS trong suốt hơn 2 năm qua, nộp kết quả thi IELTS lần đầu tiên (H.A đã đạt 6.0 IELTS trước đó), kế hoạch ôn thi IELTS của mình…

Tính đến thời điểm hiện tại, H.A chưa nhận được kết quả điều tra và vẫn đang trong quá trình chờ đợi phản hồi từ hội đồng chấm thi.

Học lệch 4 kỹ năng, mỗi kỹ năng chênh nhau 2 điểm

Giống H.A, M.Y (học sinh lớp 12 tại Hải Dương) cũng bị hội đồng chấm thi IELTS giữ lại bài để kiểm tra. Đây là lần đầu M.Y đi thi IELTS nên em cảm thấy hoang mang và lo lắng khi nhận được thông báo bị điều tra kết quả thi.

Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học - 4

M.Y khẳng định em hoàn toàn không gian lận trong quá trình thi IELTS, do đó, việc bị giữ lại bài để điều tra nhiều khả năng là do điểm thành phần các kỹ năng của em chênh lệch nhiều.

M.Y cũng thú nhận, em không học đồng đều cả 4 kỹ năng mà chỉ chú trọng ôn luyện 2 kỹ năng nghe và đọc.

"Em tập trung vào 2 kỹ năng nghe và đọc để "gánh" điểm cho 2 kỹ năng nói và viết", M.Y chia sẻ.

Trong quá trình luyện thi IELTS, phần lớn thời gian là M.Y tự học, tự luyện ở nhà. Nhận thấy 2 kỹ năng nghe và đọc dễ dàng tự học và dễ cải thiện về điểm hơn nên M.Y hầu như chỉ tập trung ôn luyện cho 2 kỹ năng đó.

Thí sinh nên làm gì khi bị giữ kết quả thi IELTS?

Bùi Thành Việt, đạt 8.5 IELTS, là giáo viên luyện thi IELTS tại Hà Nội. Với kinh nghiệm 8 lần thi lấy bằng IELTS của mình, Việt chưa từng rơi vào trường hợp bị giữ kết quả IELTS để điều tra. Tuy nhiên, học sinh của anh đã từng rơi vào trường hợp này khi được trả kết quả sau 30 ngày thay vì 13 ngày như thường lệ.

Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học - 5

Bùi Thành Việt đạt 8.5 IELTS với kinh nghiệm 8 lần đi thi (Ảnh: NVCC).

Theo Việt, khi bị hội đồng chấm thi giữ kết quả để điều tra, thí sinh nên chủ động liên hệ với nơi mình đăng ký thi để tìm hiểu thông tin chính xác, cụ thể về nguyên nhân của sự việc và nhận sự hướng dẫn về những bước tiếp theo nên thực hiện.

"Các bạn nên giữ bình tĩnh, tìm hiểu thông tin và hành động theo hướng dẫn của trung tâm để giải quyết tình huống một cách hợp lý và hiệu quả nhất", Việt đưa ra lời khuyên.

Đặc biệt, với những thí sinh muốn sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học hoặc xin visa, Thành Việt cũng khuyên các thí sinh nên đăng ký sớm ít nhất 30 ngày so với thời gian nộp hồ sơ để có đủ thời gian xử lý những tình huống phát sinh, bao gồm cả việc bị giữ kết quả IELTS để điều tra.

3 nguyên nhân dẫn đến việc học lệch các kỹ năng

Ngoài ra, một trong những lý do phổ biến được cho là nguyên nhân của việc bị giữ kết quả IELTS để điều tra là việc thí sinh học lệch 4 kỹ năng, dẫn đến điểm thành phần các kỹ năng bị chênh lệch.

Thành Việt cũng đưa ra 3 nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc học lệch kỹ năng của các thí sinh bao gồm:

Nguyên nhân đầu tiên là phương pháp học tập chỉ tập trung vào học những kỹ năng thụ động là kỹ năng nghe và kỹ năng đọc, không chú trọng rèn luyện kỹ năng nói và kỹ năng viết.

Nguyên nhân thứ hai đến từ áp lực đạt điểm IELTS cao, khiến thí sinh có xu hướng tập trung vào ôn luyện những kỹ năng mà họ cho rằng sẽ dễ đạt điểm cao hơn những kỹ năng khác.

Nguyên nhân cuối cùng liên quan đến khả năng tiếng Anh của từng thí sinh.

"Nếu thí sinh đã có nền tảng giao tiếp tốt nhưng lại hổng ngữ pháp thì điểm kỹ năng nghe và kỹ năng nói có thể cao hơn.

Tương tự, nếu thí sinh không có cơ hội để luyện nghe và nói tiếng Anh thường xuyên nhưng lại tiếp xúc nhiều với tiếng Anh ở dạng văn bản thì họ có thể đạt điểm cao ở kỹ năng đọc và kỹ năng viết nhưng kỹ năng nghe và kỹ năng nói lại thấp", Việt phân tích.

Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học - 6
Một kỳ thi IELTS tại Việt Nam (Ảnh: IELTS British Council Vietnam).

Để tránh việc học lệch, Bùi Thành Việt cho rằng mỗi thí sinh nên đặt mục tiêu điểm số cụ thể cho từng kỹ năng của mình. Ngoài ra, các thí sinh cũng nên làm các bài kiểm tra thử để xác định điểm yếu của mình và dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào việc cải thiện những hạn chế đó, tạo sự cân bằng cho cả 4 kỹ năng.

"Việc học cả 4 kỹ năng vẫn phải song hành với nhau. Tuyệt đối, thí sinh không "vứt bỏ" đi kỹ năng này để ôn kỹ năng khác.

Người học nên chú trọng tất cả những kỹ năng và cố gắng tăng cường khả năng của mình trong từng lĩnh vực, từ đó phát triển khả năng giao tiếp một cách toàn diện hơn", Việt chia sẻ.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bi-giu-chung-chi-ielts-de-kiem-tra-hoc-sinh-so-khong-kip-xet-tuyen-dai-hoc-20230319211156466.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bi-giu-chung-chi-ielts-de-kiem-tra-hoc-sinh-so-khong-kip-xet-tuyen-dai-hoc-20230319211156466.htm
Bài liên quan
  • Cần bao nhiêu điểm IELTS để du học?
    IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến và quan trọng nhất dành cho các bạn trẻ muốn du học. Đây không chỉ là tấm vé thông hành giúp bạn chứng minh năng lực ngôn ngữ mà còn là yếu tố quyết định bạn có đủ điều kiện nhập học tại các quốc gia như Úc, Canada, Mỹ, Anh, và New Zealand hay không. Tuy nhiên, mức điểm yêu cầu lại không giống nhau giữa các quốc gia, các trường và thậm chí là từng chương trình học.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bị giữ chứng chỉ IELTS để kiểm tra, học sinh sợ không kịp xét tuyển đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO