3 quốc gia mở cuộc điều tra
Nửa đêm một ngày thứ Hai vào cuối tháng 9, các máy đo địa chấn ở Thụy Điển bất ngờ phát hiện một nhiễu động dữ dội làm rung chuyển lòng biển Baltic ở phía nam đảo đá Bornholm của Đan Mạch. Nhiều giờ sau - lúc 19h, giờ địa phương - sự việc tương tự tái diễn: Một loạt vụ nổ dưới nước ở phía đông bắc của hòn đảo.
Sáng hôm sau, hình ảnh những đám bọt khí mêtan khổng lồ trên bề mặt biển phía trên 2 vị trí nổ đã xác nhận những báo cáo sụt áp ở Nord Stream 1 và 2 - đường ống khí đốt nối Nga và Đức.
Giờ đây, một tháng sau những vụ nổ làm thủng đường ống Nord Stream ở vùng biển quốc tế đông đúc, rò rỉ khí đốt đã dừng lại, những hình ảnh dưới nước đầu tiên về các mảnh kim loại xoắn, đường ống vỡ đã được công bố và 3 quốc gia đang điều tra.
Nhưng ngoài việc thừa nhận rằng chất nổ được sử dụng trong vụ phá hoại, các nhà điều tra tiết lộ rất ít chi tiết về những gì phát hiện được.
Giữa những đồn đoán về thủ phạm gây ra vụ nổ - rằng đó là người Nga đang tìm cách dằn mặt phương Tây, người Mỹ đang tìm cách cắt đứt huyết mạch kinh tế của Nga hay người Ukraina đang cố trả thù Nga - những gì chưa biết vẫn còn rất nhiều.
Đan Mạch, Đức và Thụy Điển đã mở các cuộc điều tra riêng về vụ phá hoại. Đan Mạch và Thụy Điển điều tra vì vụ nổ xảy ra ở vùng đặc quyền kinh tế trong khi Đức điều tra vì là điểm cuối của các đường ống.
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ ngày 29.9, 3 ngày sau khi sự cố xảy ra, Đan Mạch và Thụy Điển tin rằng "vài trăm kg" chất nổ đã được sử dụng để phá hoại đường ống có đường kính 1m được làm từ thép bọc bê tông chịu lực.
Cả ba quốc gia đều từ chối tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào. Căng thẳng địa chính trị quanh nhũng vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở Ukraina và cuộc chiến kinh tế giữa Mátxcơva và phương Tây - khiến mức độ cảnh giác tăng cao.
Jens Wenzel Kristoffersen - chỉ huy Hải quân Đan Mạch, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự thuộc Đại học Copenhagen - cho biết: “Có rất nhiều bí mật vẫn đang diễn ra. Lý do đơn giản là vì họ phải chắc chắn một cách tuyệt đối. Khi có kết quả, họ phải dựa trên những dữ kiện chắc chắn chứ không chỉ là suy đoán".
Ông Kristoffersen tin rằng không có khả năng bất kỳ điều tra viên nào tiết lộ thông tin cho đến khi họ có bằng chứng rõ ràng bởi những phát hiện chưa đầy đủ “có thể dẫn đến những phản ứng không hữu ích vào thời điểm này”.
Chính phủ Đức nhấn mạnh, sự phức tạp của việc giám định tại những vị trí thiệt hại “gần như chắc chắn sẽ không cho phép đưa ra bất kỳ tuyên bố ngắn hạn, đáng tin cậy nào” về thủ phạm tấn công.
Tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng năng lượng
Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 thuộc sở hữu của Gazprom - tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu của nhà nước Nga. Cổ phần thiểu số trong Nord Stream 1 do 4 công ty năng lượng khác nắm giữ gồm: Wintershall Dea và E.On - đều có trụ sở tại Đức, Gasunie ở Hà Lan và Engie ở Pháp.
Đường ống dài 1.200km trải dài từ bờ biển phía tây bắc Nga đến Lubmin, phía đông bắc nước Đức, luôn là tâm điểm của căng thẳng quốc tế. Đường ống Nord Stream 1 hoàn thành năm 2011 với chi phí hơn 12 tỉ USD, bị chỉ trích là cách tốn kém để Gazprom vận chuyển khí đốt Nga đến Đức trong khi có thể vận chuyển qua Ukraina.
Nhiều năm sau, ý tưởng về Nord Stream 2, đường ống sẽ tăng gấp đôi công suất của đường ống ban đầu, đã bị nhiều nước Trung và Đông Âu, cũng như Mỹ phản đối. Dù đường ống trị giá 11 tỉ USD đã hoàn thành năm 2021 nhưng giới chức Đức hoãn phê duyệt ngay trước khi Nga phát động chiến sự ở Ukraina hồi tháng 2 năm nay.
Mặc dù Nord Stream 2 chưa từng đi vào hoạt động và Nord Stream 1 không giao khí đốt kể từ tháng 7 bởi các vấn đề kỹ thuật như Gazprom tuyên bố nhưng cả 2 đường ống đều chứa đầy khí mê-tan có áp suất cao để giúp đường ống chịu được sức ép dưới đáy biển.
Cả Nord Stream 1 và 2 đều có 2 tuyến song song. Những vụ nổ dẫn tới rò rỉ dọc theo cả 2 tuyến của Nord Stream 1 nhưng chỉ một tuyến của Nord Stream 2 bị hư hại, tuyến còn lại vẫn nguyên vẹn.
Tuần trước, tờ báo Thụy Điển Expressen công bố những bức ảnh dưới đáy biển cho thấy sức công phá của vụ nổ với Nord Stream 1 và cho thấy một số đoạn của đường ống dẫn khí đã bị cắt đứt.
Trond Larsen - nhà điều hành thiết bị lặn không người lái đã cung cấp hình ảnh cho tờ báo Thụy Điển nêu trên - chỉ ra, khi đường ống nổ tung, khi có áp suất cao đã làm xáo trộn lồng biển, chôn vùi cả đoạn đường ống hư hỏng. Ông Larsen cho hay, có rất ít mảnh vỡ trong khu vực, có lẽ do khí nóng đã đẩy tất cả đi, hoặc các nhà điều tra Thụy Điển đã lấy những mảnh vỡ đi.
Tuần trước, các nhà điều tra Đức cũng đã cử một tàu lặn và một robot lặn để rà soát đáy biển trong cùng khu vực để có thêm bằng chứng về vụ nổ.
Các nhà chức trách Đan Mạch vẫn chưa dỡ bỏ các hạn chế giao thông đường biển trong vùng đặc quyền kinh tế ở phía trên địa điểm nổ đường ống Nord Stream.
Kể từ sau vụ nổ Nord Stream, các cuộc tuần tra đã tăng lên ở Biển Baltic và Biển Bắc - nơi có mạng lưới cáp và đường ống rộng lớn nối Na Uy - nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng nhất của Châu Âu kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bùng phát - với Anh và lục địa Châu Âu. An ninh dọc theo một đường ống dẫn khí mới mở gần đây, Baltic Pipe, dẫn khí đốt của Na Uy đến Ba Lan cũng được tăng cao.