Đó là vào một ngày hè đổ nắng năm 1995. Lúc đó, đang là cán bộ thư ký của Toàn án nhân dân huyện Minh Hóa (Quảng Bình), tôi đã đến tận hầm vàng và giáp mặt “kỳ nhân” Nguyễn Hồng Công - người đang đào, tìm kho vàng của vua Hàm Nghi ở núi Mã Cú thuộc xã biên giới Hóa Sơn.
Lúc đó, cơ quan có chiếc xe máy Simson BS 51 màu đỏ cũng không còn mới nên cứ hay bị hỏng vặt. Những lúc như vậy, tôi thường mang ra nhà ông Cao Tiệp ở đầu chân cây cầu gỗ Bến Vôi để sửa.
Lâu ngày thành thân quen nên khi bận làm việc, tôi thường xuyên mang con ra gửi cho gia đình trông hộ (vì lúc đó, trung tâm huyện vẫn chưa có nhà trẻ). Còn lúc rảnh cuối tuần, tôi vẫn thường ra nhà ông phụ sửa xe và phụ mấy việc vặt làm thợ cơ khí, hàn gió đá… Những khi vãn khách, bên ấm trà, ông Cao Tiệp hay kể về thời trai trẻ một số người đến đặt ông làm vàng giả từ đồng thau. Những người này lấy vàng giả để bán cho người dưới xuôi, tức là ở đồng bằng lên.
“Lúc đó, cứ đồng tiền chữ Đại của vua Hàm Nghi được coi là 1,2 lượng (12 chỉ vàng). Đồng tiền giả sau khi nấu đồng đổ khuôn cho giống rồi được chôn đất, moi lên hoặc khò đốt cho lên lớp hoen bên ngoài. Ban đêm, người mua chỉ cạo một lớp bên ngoài thấy vàng chóe là chắc nịch vàng nên mua thôi”, ông Cao Tiệp kể.
“Cũng có khi người mua, kẻ bán vàng phát hiện vàng giả cũng vác dao xông vào chém nhau chí chết. Nhưng mình không can dự vì chỉ làm đồng tiền theo việc họ đặt chứ không mang đi bán cho người mua vàng dưới xuôi lên”, đấy là ông Cao Tiệp bảo vậy.
Tôi mang câu chuyện đồng tiền vàng có ký tự chữ Đại của vua Hàm Nghi này kể lại với ông Thái Xuân Bạ, lúc đó là Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện nơi tôi công tác. Ông nghe xong mới thủng thẳng: “Chuyện vàng là có đấy. Lúc nhỏ, chú vẫn lén lấy mấy đồng tiền vàng tròn đó đi đánh đáo với bạn bè mà. Sau này dân mang đi nộp lại cho nhà nước hết cả thôi. Bây giờ, có một người đang đào vàng ở trong Hóa Sơn ấy”.
Cái chuyện vàng Hóa Sơn, vàng vua Hàm Nghi tôi có nghe loáng thoáng đôi lần vào những năm cuối thập niên 80 khi lên vùng Quy Đạt này ở lại để đi làm trầm. Nhưng lúc đó, mải đi trầm nên không hề để ý. Bây giờ nghe lại thấy hào hứng lắm.
Tôi dò hỏi và biết được có anh Đinh Khái, nhà ở bên con đường dốc đối diện nhà ông Cao Tiệp đã có lần đi vào khu vực mà người đàn ông đang đào vàng ở xã Hóa Sơn. Gặp anh Khá, tôi rủ vào chỗ đào vàng chơi. Thấy anh còn ngần ngại, tôi bảo: “Anh cứ đi với em. Xong việc, em bán rẻ cho cái đồng hồ này”. Chả là tôi có cái đồng hồ Citizen điện tử mặt hình vuông, lúc đó khá hiếm ở vùng miền núi này, nên anh Khái nhận lời.
Tôi báo với lãnh đạo cơ quan vào vùng Hóa Sơn để xác minh vụ tranh chấp dân sự và kết hợp vào vùng đào vàng. Trước đó, có ý định nên tôi đã về thị xã Đồng Hới để mượn chiếc máy ảnh du lịch bé bằng hai gói thuốc lá và mua cuộn phim màu Konica cho vào. Hai anh em đi từ sáng sớm. Con đường lổn nhổn đá tơ như đàn lợn con lúc vượt đèo, lúc ngoằn nghèo xuyên qua những cánh rừng. Đến xã Hóa Hợp, chúng tôi rẽ trái theo con đường nhỏ dẫn lên chân đèo Lập Cập (bà con ở đây gọi là eo Lập Cập).
Dốc Lập Cập dựng đứng, toàn đá tai mèo nhọn sắc. Xã Hóa Sơn được bao bọc bởi những dãy núi đá sừng sững. Con đường duy nhất vào xã Hóa Sơn là qua eo Lập Cập này. Đường đi lên vấp kẽ đá sắc lạnh toát. Người đi chưa quen có khi chỉ bò lổm ngổm trên đá chứ không thể đi thẳng lưng được. Bước chân cứ ríu lại với nhau chứ không thể nào thoải mái nổi. Phải chăng vì thế mà người xưa đặt cho cái tên nghe thật ấn tượng, eo Lập Cập.
Vượt qua con ngầm lớn, chúng tôi vào xóm Đặng Hóa và bắt đầu vắt ngược lên đỉnh dốc dài xuyên giữa những vạt cây lồ ô rậm rạp. Đi thêm hai con dốc như vậy thì bắt gặp những bãi đất mới cũ xen lẫn nhau. Anh Đinh Khái bảo: "Đó đó, đất đá do ông Công (Nguyễn Hồng Công) đào vàng mang đổ ra thành bãi, thành bến lớn như vầy đó”.
Băng qua một con khe có nước chảy rì rì từ trên ngọn núi xuống, bất ngờ lộ ra một cái hang tối om. Miệng hang cao gần 2m rộng hơn 1m. Anh Khái bảo: “Cái hang này sâu chừng vài chục mét do ông Công đào nhưng chưa thấy vàng nên bỏ đi đào hang khác rồi”.
Cái lán ông Nguyễn Hồng Công làm nơi trú dưới chân một ngọn đồi thưa. Sau lưng lán là rẫy hoang của bà con. Cái lán đơn giản chỉ lợp lá đã cũ và nhìn khá rách nát. Nghe có tiếng người gọi, ông Công bỏ dở việc và chui từ trong hang ra rồi về lán.
Đó là người đàn ông dong dỏng cao, khuôn mặt dài và có đôi mắt to, trũng sâu. Ông Công nhìn tôi nghi hoặc. Anh Khái đỡ lời: “Đây là chú Tâm Phùng, làm ở Tòa án huyện. Biết tin anh làm đã lâu, lại nghe nói độ này anh hay đau nên lên thăm”.
Anh Khái dứt lới, tôi rút túi xách lấy gói bột đậu xanh, gói sữa bột, bột gạo lứt… trao cho ông. Có lẽ đã lâu, không hề nhận được những thứ quà mà có nói cũng không có ở trên vùng đất Minh Hóa này nên ông Công cảm động lắm. Ông cứ cầm tay tôi, bàn tay ông lạnh ngắt mà lắc mà hít hà cảm ơn. Khi về đến nhà, anh Khái mới bảo: ‘Ông Công dè dặt với người lạ lắm, không tiếp xúc đâu. Chỉ riêng chú là ông ấy thân thiện từ ban đầu đó”.
Tôi cũng đã đôi lần tham gia vào đội quân đào vàng, đãi vàng ở Tà Rụt, Đăkrông (Quảng Trị), Khe Vàng (Quảng Bình) hay Quảng Nam từ hồi quăng quật theo đám bạn bè phiêu bạt. Những khi đó cũng có chui vào hầm hang nhưng không có cảm giác lo sợ như bây giờ. Ở đây cứ hun hút như vào bụng một con quái vật, đè nặng cảm nhận lẻ loi, u tối… Bước chân bì bõm lội vào thêm chút nào là cái lo sợ cứ tăng dần lên.
Chuyện trò một hồi, tôi ngỏ ý vào xem một hầm vàng. Ông Công dẫn đi. Ông chui vào trước soi ánh đèn pin yếu ớt. Tôi đi sau nghe hơi lạnh xuyên qua làn áo. Nước dưới chân lép nhép. Hầm vàng chỗ ông đào cao đứng thẳng được người, nhưng có chỗ phải đi khom mới qua được. Cứ vài mét lại có cây cột chống phòng bị sụt trần.
Đi khoảng hai chục mét là đến điểm cuối mà ông Công đang đào. Ở đó có một cây đèn dầu, một cái xà beng, một cái cuốc chim, cái xẻng cán ngắn và hai cái cột tre. Ông Công bảo: "Tôi cứ đào xuyên sâu vào lòng núi, đi theo hướng gia phả cho biết. Tôi đã đi đúng hướng rồi vì đào phải chỗ đất đá mềm. Đó chính là nhân tạo chứ không phải thiên tạo, nếu thiên tạo thì chỉ có đá giàn, đá xanh liền khối chứ làm sao mà chỉ có đá nhỏ trộn lẫn đất cát được”.
Tôi lén lấy cái máy ảnh du dịch đưa lên bấm. Ánh đèn flash lóe sáng thì cũng lúc ông Công quay đi che mặt. “Đừng chụp tôi”, ông nói nhẹ mà như gắt. Sau này về rửa cuộn phim ở nhà ảnh Thành Huế (thị xã Đồng Hới, giờ là thành phố Đồng Hới), cuộn phim chụp trong hầm vàng bị mất nét gần hết, chỉ có được tấm hình ông Công ban đầu và một tấm hình ông quay người đi.
Giọng nói chắc nhẹ, rải đều, ông Công cho hay trước đây có tiền thì thuê người đào hầm. Nay vì hết tiền nên tự làm lấy. Cứ một mình dùng xà beng đục, chọc đất đá rơi ra rồi dùng xẻng xúc vụn lại. Khi đất đá đã nhiều thì xúc vào rổ bưng ra trước cửa hầm đổ. Lúc đầu làm có đèn pin, sau thấy tốn quá nên dùng đèn dầu hỏa thắp sáng. Nhưng thắp dầu chỉ được ban đầu. Được một lúc thì phải tắt đi vì khó thở và phải làm trong bóng tối đen kịt.
Ông ở trong lán, trong rừng một mình. Khoảng chục ngày khi hết gạo, muối thì ông ra bản Đặng Hóa mua vào. Trong lán, dưới nền đất là ba cái xoong nhôm nhỏ. Một cái dùng để nấu cơm, cái kho cá khô với măng rừng và cái dùng để nấu canh. Trên cái sạp tre, tấm chiếu, cái chăn, cái màn đã cũ rách. Một cái giá bằng tôn được treo vách. Trên đó ông để lộn xộn gạo, muối, túm cá khô trong bọc ni lông và mấy ngọn măng rừng đã khô héo ở ngoài.
“Buổi sáng, tôi nấu cơm cho cả trưa. Khi bữa chiều thì mới nghỉ sớm, xuống khe kiếm ốc, cua đá hay cá khe nhỏ rồi ngắt nắm lá chua để nấu nồi canh húp cho mát”. Nói xong, ông cười. Nụ cười nhẹ mà như ẩn chứa một niềm tin mãnh liệt lắm.
Khi ra về, ông Công đưa chúng tôi ra đến cửa rừng, vượt qua con suối nhỏ thì mới quay vào. Có lẽ, thật lâu rồi mới có người thăm và nói chuyện nên ông cũng lưu luyến lắm. Ông hẹn: ‘Khi nào em có điều kiện thì ghé lên chơi nhé”.
(Còn nữa)
Theo nongnghiep.vn