Khi luật sư 38 tuổi Vikram Trivedi (người Ấn Độ) mắc Covid-19, anh ấy không quá lo lắng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó nhãn cầu trái, một phần lớn xoang mũi và vòm miệng của Vikram đã bị cắt bỏ, trong những nỗ lực cuối cùng của bác sĩ để giữ lấy tính mạng của người đàn ông này.
Ca phẫu thuật làm thay đổi cuộc đời của vị luật sư này hoàn toàn không phải do Covid-19 hay nhiễm trùng. Thủ phạm đứng sau tất cả là một loại nấm mốc mang tên Mucormycetes đã thừa cơ xâm chiếm cơ thể của Trivedi, vốn đang bị suy giảm miễn dịch do Covid-19. Căn bệnh này còn được biết tới với cái tên "bệnh nấm đen".
Các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ nó và đương nhiên là cả một phần cơ thể của Trivedi.
Tuy nhiên, so với nhiều bệnh nhân mắc bệnh nấm đen khác, Vikram Trivedi vẫn có thể được xem là người may mắn. Ước tính có khoảng 4.300 bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ đã thiệt mạng vì loại nấm này trong suốt làn sóng dịch thứ hai vào năm 2021.
Tại Việt Nam, nấm đen cũng là một căn bệnh được các chuyên gia ví như một "cú đánh bồi" sau làn sóng dịch Covid-19.
Nhiều trường hợp "cựu F0" bị hoại tử xương, đặc biệt là vùng xương sọ, xương hàm mặt do nấm đen đã được ghi nhận tại các cơ sở y tế trên cả nước như: Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Điển hình là trường hợp người đàn ông 64 tuổi (quê Nam Định). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nhiều năm. 24 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân phát hiện nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ nên tự điều trị tại nhà đến khi khỏi bệnh.
Gần 3 tuần sau, bệnh nhân bị nhức răng hàm trái nên tự đến phòng mạch tư nhân khám và lấy thuốc uống. 2 ngày trước nhập viện, tình trạng sưng nề nửa mặt phải tăng nhanh, bệnh nhân mất luôn thị lực mắt phải.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước tình trạng ngày càng nặng nề, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu và xác định bệnh nhân bị hoại tử đen niêm mạc xoang hàm, cánh mũi và phần mềm che phủ trước gò má phải.
Thực tế, nấm Mucormycetes không có màu đen. Nấm xâm nhập vào các mạch máu, làm ảnh hưởng tuần hoàn đến cơ quan ngoại biên, tạo ra các mô chết hay hoại tử. Da, niêm mạc, các mô hoại tử chuyển thành màu đen chính là nguồn gốc của tên gọi bệnh nấm đen.
Nấm này sống trong khắp môi trường như đất, không khí, các chất hữu cơ thối rữa như lá, phân trộn, gỗ mục nát…
Nấm xâm nhập vào cơ thể khi hít phải bào tử nấm hoặc qua vết cắt, trầy xước trên da. Nấm đen thường xảy ra ở người suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, dùng corticoid, người bệnh ung thư, cấy ghép tạng, ghép tế bào gốc, quá tải sắt...
Ấn Độ là nước có tỷ lệ mắc bệnh nấm đen cao gấp 80 lần so với các quốc gia khác. Năm 2021, Ấn Độ từng báo cáo hơn 9.000 ca nấm đen. Bệnh thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. Có khoảng 80% bệnh nhân cần phẫu thuật, nếu xâm lấn vào não, tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%.
Các bệnh nhân mắc bệnh nấm đen tại Ấn Độ có đặc điểm: 78% là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, 76% bệnh nhân từng mắc Covid-19. Tỷ lệ tử vong trên 30%.
Bệnh nấm đen mới đây đã xuất hiện trong một thông báo toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với cái tên: "Bệnh X".
Theo đó, WHO cho biết họ đang lập danh sách mới các mầm bệnh có nguy cơ gây ra đại dịch và cần được theo dõi chặt chẽ.
WHO đã triệu tập hơn 300 nhà khoa học để xem xét hồ sơ về hơn 25 họ virus và vi khuẩn. Tổ chức này cũng sẽ cân nhắc về "bệnh X", một căn bệnh chưa được hiểu biết đầy đủ và có thể gây ra đại dịch nghiêm trọng trên toàn cầu.
Mục đích của việc này là cập nhật danh sách để hướng dẫn đầu tư và nghiên cứu phát triển trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vaccine, xét nghiệm và điều trị bệnh.
"Nguy cơ nấm tấn công con người đang tăng vọt. Sự gia tăng đã được thúc đẩy bởi Covid-19, vì làm tăng khả năng kháng thuốc và gia tăng bệnh nhân suy giảm miễn dịch", WHO cảnh báo.
Cần biết rằng, đây là một lời cảnh báo đặc biệt, bởi "Thông điệp sức khỏe cộng đồng" của WHO từ trước đến nay chủ yếu tập trung vào 2 loại mầm bệnh: vi khuẩn và virus.
"Nổi lên từ bóng tối của đại dịch vi khuẩn kháng thuốc, tình trạng nhiễm nấm đang gia tăng và ngày càng kháng lại các phương pháp điều trị, trở thành mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới", Tiến sĩ Hanan Balkhy - Trợ lý Tổng giám đốc về kháng kháng sinh của WHO nhận định.
Quỹ Hành động Toàn cầu về nhiễm nấm ước tính rằng, hơn 300 triệu người bị nhiễm nấm nghiêm trọng mỗi năm.
Ông Alan, 75 tuổi, sống ở Northamptonshire đã sống chung với bệnh nấm phổi aspergillosis mãn tính trong 12 năm. Chia sẻ với báo chí, ông cho biết căn bệnh này khiến ông luôn trong tình trạng ho dai dẳng và mệt mỏi từng cơn.
"Nó giống như bệnh cúm. Cơ thể tôi kiệt sức và đau nhức khắp người, thường xuyên trong trạng thái mê man", ông Alan nói.
Những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ bị nhiễm nấm xâm lấn cao nhất, chẳng hạn như những người đang hóa trị ung thư hoặc điều trị HIV/AIDS.
"Các bệnh do nấm ngày càng trở nên phổ biến và đặc biệt tác động đến những bệnh nhân dễ bị tổn thương, suy giảm miễn dịch", Giáo sư Haileyesus Getahun - Giám đốc Điều phối Toàn cầu về tình trạng kháng kháng sinh, WHO cho biết.
Covid-19 được cho là đóng một vai trò nào đó trong sự "bùng nổ" của các loại nấm bệnh. Theo WHO, tỷ lệ nhiễm nấm được báo cáo đã tăng đáng kể ở những bệnh nhân nhập viện trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là những người đã bị Covid-19 tấn công nặng nề.
Trước khi xảy ra đại dịch, BS Shailesh Kothalkar - Người điều trị cho luật sư trẻ Trivedi chỉ gặp một vài trường hợp mắc bệnh X mỗi năm. Tuy nhiên khi làn sóng thứ 2 ập đến, hàng trăm bệnh nhân phải vào bệnh viện của ông vì căn bệnh này.
"Thật kinh khủng", BS Shailesh Kothalkar chia sẻ, "Và nó rất nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi trong tình trạng mất đi thị giác, nhiễm trùng não và sau đó tử vong".
Bệnh X cũng từng xuất hiện trong một công bố của WHO vào năm 2018 như là một trong 19 loại nấm bệnh nguy hiểm nhất.
Trong danh sách này, WHO đã chia 19 mầm bệnh nấm đáng lo ngại nhất thành ba loại - nguy cấp, cao và trung bình - dựa trên gánh nặng sức khỏe cộng đồng của bệnh, tình trạng kháng thuốc và khả năng chẩn đoán.
Mặc dù các trường hợp nhiễm bệnh X đang gia tăng từng ngày, nhưng hiện tại thuốc chống nấm (thứ vũ khí chính của các bác sĩ) lại đang rất nghèo nàn.
Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 10 năm qua, gần như chưa có thêm một loại thuốc kháng nấm mới nào được ra đời, trong khi tình trạng kháng thuốc lại ngày càng gia tăng.
Cũng theo chuyên gia này, việc điều trị các bệnh lý liên quan đến nhiễm nấm, đặc biệt là nấm đen là rất khó khăn vì chẩn đoán khó, thường phát hiện bệnh muộn, thuốc điều trị đắt tiền và hiệu quả điều trị không cao.
"Tình trạng bội nhiễm nấm ở các bệnh nhân cũng có sự gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là với các ca Covid-19 nặng và nguy kịch", BS Phúc phân tích.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, việc chúng ta không quản lý sử dụng kháng sinh dẫn đến sử dụng rất nhiều loại kháng sinh khác nhau trong quá trình các bệnh nhân tự điều trị, đã góp phần gia tăng nấm trong môi trường bệnh viện và ngay cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, y học ngày càng phát triển, các bệnh lý về ung thư, bệnh máu ngày càng được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, có mặt trái là những người này có miễn dịch suy giảm, đây là nguồn cơ địa tốt cho sự phát triển của nấm.
BS Kothalkar cho biết, trong đợt bùng phát bệnh X ở Ấn Độ, bệnh viện của ông gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các phương pháp điều trị chống nấm.
"Chúng tôi đã thiếu hụt các phương pháp điều trị chống nấm, dẫn đến thiệt hại lớn", BS Kothalkar chia sẻ.
Ông nói thêm rằng, quá trình nghiên cứu các loại thuốc chống nấm, vốn đã rất chậm lại phải tạm ngưng trong đại dịch.
"Vào tháng 3 năm 2020, khi Covid-19 xảy ra, các công tác nghiên cứu dồn vào Covid-19 như một lẽ dễ hiểu. Rất nhiều chương trình bị ảnh hưởng và nghiên cứu về bệnh nấm chắc chắn là một trong số đó", vị chuyên gia này cho hay.
WHO đã cảnh báo rằng, tình trạng kháng thuốc đối với các loại nấm bệnh cũng đang gia tăng trên toàn cầu.
Không chỉ bệnh X, cả các loại nấm gây nhiễm trùng thông thường - chẳng hạn như nấm miệng và nấm âm đạo cũng ngày càng trở nên kháng thuốc.
WHO hiện đã đưa ra lời kêu gọi nỗ lực toàn cầu nhằm ưu tiên nghiên cứu và phát triển trong điều trị và giám sát mầm bệnh nấm.
Báo cáo cho biết: "Hiện tại, bệnh nhiễm nấm chỉ nhận được chưa đến 1,5% tổng kinh phí nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, cho thấy gánh nặng sức khỏe thực sự của nấm vẫn chưa được nhận định đúng đắn. Trong khi đó hầu hết các hướng dẫn điều trị đều dựa trên bằng chứng hạn chế và ý kiến chuyên gia".
TS Haileyesus Getahun - Giám đốc Ban Điều phối Toàn cầu AMR, WHO cho biết: "Chúng tôi cần thêm dữ liệu và bằng chứng về nhiễm nấm và kháng thuốc kháng nấm để cung cấp thông tin và cải thiện khả năng đáp ứng với các mầm bệnh nấm đáng quan ngại này".
Bài: Minh Nhật
Thiết kế: Đỗ Diệp
16/12/2022