Bệnh viện gặp khó khi thiếu kinh phí, thuốc điều trị sốt xuất huyết

NGUYỄN LY| 01/07/2022 15:51

TPHCM -  Hiện nay, TPHCM đang trong giai đoạn dịch chồng dịch. Các bệnh viện tuyến cuối của thành phố luôn trong tình trạng quá tải vì phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết cùng một thời điểm. Cộng với tình trạng thiếu thuốc, dẫn đến tình hình càng trở nên căng thẳng.

Hiện nay, trước tình hình nguy cơ dịch chồng dịch như: Sốt xuất huyết và COVID-19, nhiều bệnh viện tại TPHCM đang đứng trước nguy cơ thiếu thuốc đặc trị. Đặc biệt là thiếu nguồn thuốc cho điều trị sốt xuất huyết.

Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Ly

Điển hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đang gặp khó khăn do thuốc vận mạch Dopamin dùng trong hồi sức sốt xuất huyết đang dần hết. Để không bị gián đoạn điều trị, bệnh viện đang thay thế thuốc này bằng Adrenalin và thuốc kết hợp khác. Bên cạnh đó, nguồn dung dịch cao phân tử Dextran 40, HES 200.000 dùng cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết trên thị trường thế giới đang ít dần. Bộ Y tế đã đồng ý cho các bệnh viện thay thế bằng dung dịch cao phân tử HES 130.000.

Trong buổi làm việc mới đây với thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về việc kiểm tra công tác phòng chống, điều trị sốt xuất huyết tại các bệnh viện ở TPHCM, TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, cần phải xác định sốt xuất huyết là việc điều trị lâu dài, không phải cứ dùng thuốc thay thế tạm thời. Bên cạnh đó, dung dịch cao phân tử HES130.000 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.

“Qua đây, tôi cũng đề xuất Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có quy định thanh toán bảo hiểm y tế với dịch truyền HES 130.000, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết nặng”, bác sĩ Hùng nói.

Ngoài ra, qua báo cáo của các bệnh viện, sau một thời gian phòng, chống dịch COVID-19, dường như bác sĩ “quên bài”, còn bác sĩ trẻ chưa có kinh nghiệm điều trị. Vì vậy, bệnh viện tuyến trên cần mở lớp đào tạo, tập huấn cho các bác sĩ, bệnh viện. Tuy nhiên, kinh phí vẫn đang là vấn đề nan giải bởi phòng, chống sốt xuất huyết không còn là chương trình quốc gia.

Trước tình trạng trên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay từ tháng 4.2022 khi sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, Sở Y tế đã họp với các chuyên gia phòng chống sốt xuất huyết của nhiều bệnh viện nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị trong bối cảnh thiếu nguồn cung ứng thuốc. Tuy nhiên, do một số thuốc thay thế không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế nên các bệnh viện gặp khó trong thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Ông Châu đề nghị Bộ Y tế nên thành lập Quỹ mua sắm các loại thuốc dịch chuyển quý hiếm. Đơn cử là dịch truyền cao phân tử Dextran. Năm 2021 có công ty nhập về một số lượng lớn dịch truyền cao phân tử Dextran để sử dụng. Tuy nhiên, thời điểm đó dịch COVID-19 xảy ra và không có bệnh nhân sốt xuất huyết sử dụng. Cuối cùng công ty này phải huỷ lô hàng vì quá hạn sử dụng, chấp nhận thua lỗ. Hay có nhiều công ty khi nhập thuốc về, do làm thủ tục  phê duyệt quá lâu, đến khi hoàn tất thủ tục thì lô thuốc cũng hết hạn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện gặp khó khi thiếu kinh phí, thuốc điều trị sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO