Bệnh viện Bạch Mai phát hiện 4 ca nhiễm biến chủng Omicron qua giải trình gen

24/02/2022 14:46

Theo báo cáo, kết quả giải trình tự gen các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội về việc triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo cho biết, tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng cao. Có ngày ghi nhận 6.860 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.

Sở Y tế khẳng định dịch bệnh vẫn được kiểm soát bởi các biện pháp cụ thể như: Công tác phòng chống Covid-19 được tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 từ sớm, từ cơ sở…

covid-19-bien-chung-omicron-1.jpg

Hà Nội cũng tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp 24/24 giờ tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành…

Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%. Số ca tăng cao cơ bản nằm trong dự báo của thành phố và lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể với từng nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi quận, huyện cần có thêm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn.

Kết luận phiên họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu các đơn vị cần tập trung quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và kết luận của Bí thư Thành ủy; từ đó có những giải pháp chủ động, quyết liệt ngay từ cơ sở. Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới tăng nhanh, trung bình những ngày gần đây là 5.128 ca/ ngày. Bên cạnh đó, việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không, thời tiết lạnh là những diễn biến có nhiều thách thức.

covid-19-bien-chung-omicron-2.jpg

Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gen các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron. Điều này được Hà Nội dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể.

Ông Dũng cho rằng 97% ca bệnh hiện nay là ca nhẹ, không triệu chứng và TP vẫn luôn chủ động chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em). Hiện dư địa vẫn còn 40%. Bên cạnh đó là các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Bệnh viện Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị bệnh nhân tầng 3.

"Phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị cần chú trọng triển khai tập trung, hiệu quả Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 17-2-2022 của UBND TP về quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn.

Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới, chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng Delta.

Do đó, việc Hà Nội đã xuất hiện các ca bệnh Covid-19 chủng Omicron là dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm cộng đồng có thể nhiều hơn và lây lan nhanh hơn. Vì vậy số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội sẽ có thể tiếp tục tăng. Mỗi người dân cần bỏ ngay tâm lý "rồi ai cũng là F0", chủ quan kể cả khi đã tiêm 3 mũi bởi di chứng của Covid-19 có thể có với bất kỳ ai khi bị nhiễm và khỏi bệnh.

covid-19-bien-chung-omicron-3.jpg

Người dân trên thế giới đang bày tỏ quan ngại về biến thể COVID-19 mang tên Omicron. Dưới đây là tổng hợp của Tổ chức Y tế Thế giới những thông tin mới nhất từ các chuyên gia về biến thể vi rút mới này.

Biến thể Omicron là gì?

Biến thể Omicron của COVID-19 đã được WHO xác định là một biến thể đáng lo ngại, dựa trên những bằng chứng cho thấy biến thể này có một số đột biến làm thay đổi hành vi của chúng. Hiện chưa có nhiều bằng chứng xác thực về biến thể Omicron, và nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm đánh giá khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái nhiễm từ biến thể này.

Biến thể Omicron phát triển như thế nào?

Khi vi rút phát tán rộng rãi và lây nhiễm ở quy mô lớn, khả năng vi rút đó đột biến sẽ gia tăng. Vi rút càng có nhiều cơ hội để lây lan thì càng có nhiều khả năng để biến đối.

Những biến thể mới như Omicron nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết. Do vậy, mọi người cần tiêm phòng ngay khi có vắc xin và tiếp tục theo dõi các khuyến cáo hiện nay về phòng tránh sự lây lan của vi rút, bao gồm giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ cho môi trường trong nhà được thông thoáng.

Chúng ta cần đảm bảo người dân ở mọi nơi đều có khả năng tiếp cận vắc xin và các biện pháp y tế cộng đồng. Sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc xin khiến những quốc gia có thu nhập thấp – phần lớn là các quốc gia Châu Phi - phải hứng chịu những hậu quả từ COVID-19. Những quốc gia đã có đủ nguồn cung vắc xin phải khẩn trương chuyển giao vắc xin như đã hứa hẹn.

Biến thể Omicron có lây lan nhanh hơn không?

Hiện chưa rõ liệu biến thể Omicron có lây lan từ người này sang người khác nhanh hơn so với các biến thể khác, chẳng hạn như biến thể Delta, hay không.

Tuy nhiên, việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách với người khác và đeo khẩu trang vẫn đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19. Chúng ta biết rằng những hành động này đã có hiệu quả trong việc phòng ngừa các biến thể khác.

Biến thể Omicron có gây ra những triệu chứng khác hay không?

Hiện chưa có thông tin nào cho thấy Omicron có thể gây ra các triệu chứng COVID-19 khác so với các biến thể trước đó.

Vắc xin COVID-19 có hiệu quả đối với biến thể Omicron hay không?

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu biến thể Omicron có thể gây ra ảnh hướng nào đối với hiệu quả vắc xin COVID-19 hay không. Mặc dù nguồn thông tin còn hạn chế, WHO tin rằng chúng ta có thể nhận định các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có khả năng bảo vệ người dân trước các bệnh lý nghiêm trọng và tử vong.

Người dân cũng cần tiêm phòng để bảo vệ bản thân trước các biến thể đang lây lan rộng rãi khác, ví dụ như biến thể Delta. Hãy tiêm phòng đầy đủ ngay khi có thể. Nếu vắc xin bạn sử dụng cần tiêm hai mũi, bạn cần tiêm đủ cả hai mũi để được bảo vệ tối đa.

Bị nhiễm COVID-19 từ trước có hiệu quả đối với biến thể Omicron?

Theo WHO, các bằng chứng ban đầu cho thấy những người từng nhiễm COVID-19 khi tiếp xúc với biến thể Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể đáng lo ngại khác. Nguồn thông tin hiện nay còn khá hạn chế, và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin.

Các xét nghiệm COVID-19 hiện nay có thể phát hiện biến thể Omicron không?

Xét nghiệm PCR hiện đang được sử dụng rộng rãi vẫn có thể phát hiện sự lây nhiễm COVID-19, bao gồm cả biến thể Omicron. Các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm đánh giá liệu có tác động nào tới các hình thức xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hay không.

Trẻ em có nguy cơ mắc biến thể Omicron cao hơn không?

Các nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron đang được tiến hành. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin. Tuy nhiên, những người thường xuyên có tiếp xúc ngoài xã hội và những người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.

Tôi có thể làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình trước biến thể Omicron?

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là giảm nguy cơ phơi nhiễm trước vi rút. Để bảo vệ bản thân và người thân gia đình, hãy đảm bảo:

Đeo khẩu trang che kín mũi và miệng. Rửa tay sạch sẽ trước khi đeo và tháo khẩu trang.

Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người xung quanh.

Tránh các không gian kín khí hoặc tụ tập đông người.

Mở cửa sổ để lưu thông không khí trong nhà.

Rửa tay thường xuyên.

Tiêm phòng đầy đủ khi có thể.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Bạch Mai phát hiện 4 ca nhiễm biến chủng Omicron qua giải trình gen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO