Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo nhiều bệnh nhân bị ong đốt nguy kịch

Thuỳ Linh| 08/09/2023 16:00

Ở Việt Nam, đặc biệt ở phía Bắc, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện tăng mạnh vào mùa thu với nhiều loại ong có chứa độc tố như ong vò vẽ, ong khoái, ong bắp cày…

Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo nhiều bệnh nhân bị ong đốt nguy kịch
Số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện tăng mạnh vào mùa thu. Ảnh: BVCC

Sáng 8.9, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp thông tin cảnh báo về các trường hợp bị ong đốt, phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc của bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị ong đốt, tình trạng khá nặng nề.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Nọc độc của ong gây hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, cần điều trị sớm, tích cực ngay tại y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng cần được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, sau khi bị ong đốt thì người dân nên uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, chất muối, nước canh, oresol và khẩn trương đưa tới y tế cơ sở.

Biện pháp điều trị quan trọng tại cơ sở là cần nhanh chóng bù đủ dịch, đủ nước cho bệnh nhân. Những trường hợp nặng hơn cần đánh giá, kiểm tra, theo dõi kỹ, lọc máu, thay huyết tương sớm nếu cần.

“Việc bù muối, bù nước cho nạn nhân ngay sau khi bị ong đốt rất quan trọng. Điều trị tích cực ngay tại tuyến trước bằng cách truyền đủ dịch và cho bài niệu tích cực là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân, hạn chế khỏi các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng”- BS Nguyên nhấn mạnh.

Ong vò vẽ là loài ong chứa nhiều chất độc. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Ong vò vẽ là loài ong chứa nhiều chất độc. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Trước đó, có nhiều bệnh nhân bị ong đốt liên tục phải nhập viện cấp cứu vì rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí có bệnh nhân rất cao tuổi.

Đơn cử, bệnh nhân nữ L.T.H (90 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định) được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 2.9 trong tình trạng nguy kịch: Tổn thương cơ vân, tổn thương gan, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, suy thận, suy tim.

Bệnh nhân được điều trị tích cực bao gồm các biện pháp hồi sức, lọc máu và giải độc. Qua 3 ngày điều trị hồi sức tích cực và chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân đang dần hồi phục và tiến triển tốt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo nhiều bệnh nhân bị ong đốt nguy kịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO