Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đợt bùng phát bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em đã khiến một trường hợp tử vong và ít nhất 17 ca phải ghép gan. Các nhà nghiên cứu đang điều tra về adenovirus và virus gây cảnh lạnh thông thường nhằm tìm ra nguyên nhân. Song, điều này vẫn là ẩn số.
Những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở đâu?
Theo Bloomberg, Vương Quốc Anh là quốc gia đầu tiên cảnh báo về tình trạng trẻ mắc viêm gan bí ẩn vào đầu tháng 4, song, những ca bệnh sớm nhất đã xuất hiện ở một bệnh viện của bang Alabama, Mỹ, vào tháng 10/2021. Lúc này, 5 trẻ em nhập viện vì tổn thương gan không rõ nguyên nhân. Ngày 5/4, WHO thông báo về 10 trẻ em khỏe mạnh ở Scotland gặp phải tình trạng tương tự. Ba ngày sau, 74 bệnh nhi khác được xác định ở Anh.
Tính đến ngày 21/4, Vương Quốc Anh đã ghi nhận 114 trẻ mắc bệnh này. Tây Ban Nha cũng có 9 ca, Israel 12 trường hợp và Mỹ cũng ghi nhận 9 bệnh nhi. Các trường hợp còn lại nằm rải rác ở Đan Mạch (6), Ireland (5), Hà Lan (4), Italy (4), Na Uy (2), Pháp (2), Romania (1) và Bỉ (1).
Bệnh viêm gan ở trẻ đang lan ra nhiều nước vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Ảnh: Healthline.
Trong khi đó, theo Guardian, Canada cũng đã ghi nhận một số ca song chưa có kết luận cuối cùng. Ngày 25/4, Bộ Y tế Nhật Bản phát hiện trẻ đầu tiên mắc bệnh này, dấy lên lo ngại làn sóng dịch viêm gan bí ẩn lây lan ra bên ngoài châu Âu và Mỹ.
WHO cảnh báo rằng có thể nhiều trường hợp mới sẽ được phát hiện trước khi họ có câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân. Trong tình huống hiện tại, biện pháp kiểm soát, phòng ngừa cũng chưa thể đưa ra chính xác.
Triệu chứng thường gặp
Theo tài liệu y tế của các quốc gia, đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa kèm theo vàng da, lòng trắng mắt chuyển vàng là một trong những triệu chứng điển hình ở trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn này. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhi còn có dấu hiệu gan bị viêm nặng, chỉ số men gan cao rõ rệt. Hầu hết trẻ không bị sốt.
Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh viêm gan gồm mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt và đau khớp.
Độ tuổi bị ảnh hưởng là trẻ từ một tháng tuổi đến 16 tuổi. Trong đó, đa số bệnh nhi là trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Khoảng 10% (tương đương 17 em) cần phải ghép gan. Ít nhất một ca đã tử vong vì bệnh viêm gan bí ẩn này.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra làn sóng viêm gan bí ẩn này vẫn còn là ẩn số. Các cơ quan y tế và chuyên gia trên thế giới đang tích cực điều tra những tác nhân tiềm ẩn, bao gồm adenovirus - loại virus được phát hiện ở 74 trẻ em. Một số trẻ cũng bị mắc Covid-19, mặc dù vai trò của nCoV trong các ca bệnh này không rõ ràng.
Theo WHO, các mầm bệnh phổ biến gây viêm gan virus cấp tính như viêm gan A, B, C, D và E không được tìm thấy trong tất cả trường hợp. Điều này khiến giới chuyên gia càng khó khăn hơn khi xác định nguyên nhân gây bệnh. Những trẻ mắc bệnh cũng không đi du lịch quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon đưa giả thuyết tình trạng phong tỏa vì Covid-19 có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch ở trẻ. Bởi chúng ít được tiếp xúc với những mầm bệnh thông thường khi bị cách ly.
Một giả thuyết khác đang được điều tra tích cực là adenovirus. Trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ người nhiễm virus này giảm xuống mức rất thấp, song, gần đây, tình trạng này tăng vọt trở lại. Điều này có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. WHO cũng khuyến cáo các nước nên điều tra khả năng xuất hiện loại adenovirus mới.
Adenovirus là một trong những giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn này. Ảnh: iStock.
Adenovirus là gì?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), adenovirus là virus phổ biến gây viêm đường hô hấp như cảm lạnh, sốt, đau họng, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy ở người, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong 8-10%.
WHO thống kê có hơn 50 loại adenovirus có thể gây nhiễm trùng ở người. Triệu chứng thường gặp nhất là ở hệ hô hấp, song, virus này cũng dẫn tới viêm dạ dày ruột, viêm kết mạc và nhiễm trùng bàng quang.
WHO cho biết adenovirus đã được phát hiện trong hơn 40% trường hợp viêm gan ở trẻ em. Trong số các mẫu đã trải qua xét nghiệm phân tử, 18 mẫu được xác định là adenovirus F loại 41. Tuy nhiên, những phát hiện này gây khó hiểu. Bởi adenovirus thường tự phân giải và không gây mức độ nghiêm trọng cho bệnh ở trẻ em.
Ngoài ra, adenovirus loại 41 thường gây tiêu chảy, nôn mửa và sốt, kèm theo các triệu chứng hô hấp. Đặc biệt, chưa có bất kỳ ghi nhận hay nghiên cứu nào cho thấy nó gây viêm gan ở trẻ khỏe mạnh.