Khả năng tái phát ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư bạn đã mắc phải, ung thư được phát hiện ở giai đoạn nào và sức khỏe tổng thể của bạn.
Không có cách nào để nói chắc chắn liệu bệnh ung thư của bạn có tái phát hay không. Tuy nhiên, ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sau hoặc ung thư có liên quan đến hạch bạch huyết có nhiều khả năng tái phát hơn.
Tiên lượng cũng phụ thuộc vào loại ung thư. Thống kê phổ biến nhất mà bạn sẽ thấy là tỷ lệ sống sót sau 5 năm hoặc 10 năm. Đây là tỷ lệ phần trăm những người mắc loại ung thư đó vẫn còn sống sau 5 hoặc 10 năm sau khi được chẩn đoán.
Bệnh thuyên giảm không có nghĩa là bạn được chữa khỏi. Vì thế, những số liệu thống kê này có thể cung cấp cho bạn những thông tin ban đầu về tiên lượng của một bệnh ung thư.
Cụ thể:
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm cho tất cả các giai đoạn cộng lại là 25%. Tỷ lệ sống sót tương đối là 63% đối với ung thư phổi khu trú và 7% đối với ung thư phổi đã di căn tại thời điểm chẩn đoán.
- Ung thư vú: Tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 90%. Tỷ lệ sống sót đối với ung thư vú cao hơn nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm hơn và thấp hơn nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sau.
- Ung thư đại trực tràng: Tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm cho tất cả các giai đoạn cộng lại là 64%. Tỷ lệ này khi ung thư đại trực tràng khu trú là 91%, 72% nếu ung thư lan đến các mô hoặc hạch bạch huyết xung quanh, và 14% nếu ung thư di căn đến các bộ phận xa của cơ thể.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Đối với nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt tại chỗ hoặc khu vực, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 98%. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm nếu ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể tại thời điểm chẩn đoán là 31%.
- Ung thư dạ dày: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối cho tất cả các giai đoạn là 32%. Tỷ lệ này là 70% đối với ung thư dạ dày khu trú và 6% đối với ung thư dạ dày đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể tại thời điểm chẩn đoán.
Dù bạn mắc phải loại ung thư nào thì việc phát hiện sớm khả năng tái phát là rất quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, các bệnh tái phát cục bộ có thể chữa khỏi. Bệnh tái phát ở xa ít có khả năng được chữa khỏi nhưng việc phát hiện sớm có thể giúp ngăn chặn bệnh lây lan thêm.
Nếu tình trạng bệnh đã thuyên giảm, bạn nên thường xuyên được bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu mới của bệnh ung thư.