Bệnh trĩ có nguy hiểm không? Người mắc bệnh trĩ cần làm gì?

ANH ĐÀO| 08/04/2022 17:05

Mặc dù không trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, tuy nhiên theo các bác sĩ bệnh trĩ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và bất tiện trong sinh hoạt.

76706763_2288329388083285_2795036691851640832_o.jpeg
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đang khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống

ThS.BS Phạm Bình Nguyên - Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết hàng ngày tại bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca bệnh, trong đó các ca liên quan đến bệnh trĩ chiếm 30-40%.

Trĩ là một bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống do những khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt.

BS Phạm Phúc Khánh – Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – cho biết bệnh trĩ là một trong những bệnh lành tính ở vùng hậu môn thường xảy ra nhất. Hơn một nửa dân số mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30. Tại Việt Nam thường có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh trĩ nhiều hơn những nước Âu Mỹ. Hầu hết tất cả những bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên khoa.

Nếu bệnh nhẹ có thể khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ (rau, củ, quả …) uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày). Loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu…) ngồi ngâm hậu môn vào chậu nước ấm khoảng 10 phút có thể giảm đau, sưng nề và giảm hiện tượng thòi búi trĩ ra ngoài.

Với những phương pháp trên thì hầu hết các triệu chứng của bệnh trĩ như đau phù nề sẽ giảm trong vòng 2 đến 7 ngày. Những khối trĩ ngoại tắc mạch có thể hết trong vòng 4 đến 6 tuần.

Trong trường hợp khối trĩ tắc mạch đau nhiều liên tục, bác sĩ sẽ phải trích rạch lấy bỏ khối máu cục trong búi trĩ. Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng khám và được gây tê tại chỗ và bệnh nhân thường sẽ dễ chịu, đỡ đau hơn rất nhiều.

ung_qua_nhiu_nc_khong_toots_cho_c_th.png
Uống nhiều nước sẽ giúp cho người mắc bệnh trĩ cải thiện được sức khỏe - Ảnh: Internet

Người mắc bệnh trĩ cần làm gì?

Theo bác sĩ Bình Nguyên, trước tiên, người bệnh trĩ cần uống nhiều nước trong mọi trường hợp (nước giải khát, bữa ăn có nhiều canh) vì nước có tác dụng làm mềm phân. Cứ khoảng 1-2h nên uống 1 cốc nước 100 ml, duy trì mỗi ngày uống 1,5-2,5l nước tùy theo trọng lượng cơ thể và công việc.

Thứ hai, người bệnh trĩ cần ăn nhiều chất xơ vì chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân dễ bở ra nên dễ dàng khi di chuyển. Sử dụng các thực phẩm nhuận tràng như: rau dền, rau lang, rau đay, rau diếp cá, khoai lang, chuối, táo, mật ong…

Thứ ba, vì người bệnh trĩ dễ bị thiếu máu do đại tiện ra máu nên cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất sắt như như: gan gà, cua hấp, cá ngừ, mận, mơ khô, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè, khoai tây luộc, rau bó xôi, bông cải xanh nấu chín, dưa đỏ, rau cần, mộc nhĩ đen (nấm mèo đen), vừng (mè đen),...

Bên cạnh đó, người bệnh trĩ cần kiêng các gia vị cay, nóng, cà phê, rượu, những thực phẩm chứa chất cafein. Những gia vị cay, nóng và chất kích thích thường tạo cảm giác khó chịu, đau rát khi phân đi qua hậu môn.

Các bác sĩ lưu ý không nên ngồi lâu để giảm áp lực cho hậu môn. Cụ thể, việc đứng lâu, ngồi lâu có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ, gây đau nhức, khó chịu. Người bệnh nên dành một chút thời gian vận động, tránh ngồi làm việc xuyên suốt. Có thể đứng dậy, vận động nhẹ nhàng, đi lại giúp máu huyết lưu thông. Cách 1 tiếng nên vận động để giảm áp lực cho hậu môn.

Người bệnh nên tạo thói quen đi đại tiện trong cùng một khung giờ hàng ngày. Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại khá khó thực hiện. Tuy nhiên, điều này được bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên cố gắng thực hiện, tạo thói quen giúp hậu môn hoạt động tốt hơn.

Việc vệ sinh hậu môn sạch sẽ là cách phòng tránh viêm nhiễm có điều kiện lây lan, đồng thời tiêu diệt một số vi khuẩn có hại ở hậu môn. Thực hiện phương pháp dân gian như sử dụng lá cây thảo dược, nước muối pha để ngâm rửa hậu môn là cách được nhiều người áp dụng.

Vận động thể dục, thể thao giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Người bệnh trĩ có thể lựa chọn những bộ môn thể thao vừa sức, dành thời gian luyện tập mỗi ngày để mau chóng cải thiện bệnh.

Một số bộ môn phù hợp với bệnh trĩ như: thể dục tay không, yoga, thiền, đi bộ, bơi lội...

Bác sĩ Nguyên cho biết, khi cơ thể hoạt động, máu huyết sẽ lưu thông tốt hơn. Đặc biệt, hệ tiêu hóa cũng hoạt động ổn định, hạn chế tình trạng táo bón hoành hành. Không những thế, cân nặng người bệnh được kiểm soát tốt sẽ giảm tải bớt áp lực cho hậu môn và các búi trĩ.

"Điều trị trĩ chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài thói quen sinh hoạt điều độ từ ăn uống, vận động vẫn là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa và quản lý bệnh trĩ tái phát. Một số bệnh nhân than phiền tưởng cắt là xong, tuy nhiên nguyên nhân vẫn còn đó nên sau một vài năm, trĩ lại xuất hiện nếu không thay đổi được những thói quen xấu...", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh trĩ có nguy hiểm không? Người mắc bệnh trĩ cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO