1. Bệnh than là gì?
Bệnh than hay còn có tên gọi khác là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loại vi khuẩn gram dương, hình que Bacillus anthracis. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi hoặc động vật hoang dã.
Bệnh than là gì?
Khi con người tiếp xúc với động vật chứa vi khuẩn gây bệnh có thể bị truyền nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Thông thường bệnh xâm nhập vào cơ thể người thông qua các đường tiếp xúc như:
- Nhiễm qua da: xảy ra khi tiếp xúc mầm bệnh thông qua vết thương trên da hoặc sử dụng các sản phẩm động vật như lông, da sống, len,… Các vị trí lây nhiễm dễ gặp thông qua da chính là cổ, cẳng tay, bàn tay. Mầm bệnh ủ từ 1 - 7 ngày đến khi khởi phát nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách đều có thể hồi phục nhanh.
- Nhiễm qua đường hô hấp: khi người tiếp xúc mầm bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn có trong không khí thường có trong các nhà máy sản xuất len từ lông động vật, lò mổ,… Dấu hiệu nhận biết đầu tiên chính là khó thở do ảnh hưởng đến hạch bạch huyết ở ngực và dần lan đến các cơ quan hô hấp khác như phổi.
- Nhiễm qua đường tiêu hóa: khi sử dụng các loại thịt động vật có chứa mầm bệnh và chưa được nấu chín kỹ và khi nuốt vào cơ thể sẽ bị bào tử vi khuẩn bệnh than xâm nhập gây bệnh bên trong đường tiêu hóa.
2. Bệnh than có dễ lây không?
Mặc dù đây là bệnh truyền nhiễm nhưng tỷ lệ lây nhiễm của bệnh này không cao như các loại bệnh cảm cúm thông thường. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều lây từ động vật sang người và chưa có nghiên cứu cụ thể trường hợp lây từ người sang người. Tuy nhiên, người bệnh khi mắc phải thường có nhiều biểu hiện nghiêm trọng đối với cơ thể. Chính vì thế hiện tại căn bệnh này cũng là mối nguy hại cho thế giới đặc biệt đây là mầm bệnh có thể được ứng dụng trong vũ khí sinh học.
3. Bệnh thường gặp ở đâu?
Với nghiên cứu về bệnh than trên toàn thế giới thì hiện nay chứng bệnh này tập trung phổ biến tại các vùng nông nghiệp tại Trung và Nam Mỹ. Bên cạnh đó các vùng Sahara, Châu Phi, Tây Nam Á, Nam Âu và Đông Âu cũng là khu vực có xuất hiện bệnh và ghi nhận nhiều trường hợp truyền nhiễm bệnh từ động vật sang người.
Phần lớn bệnh bùng phát ở các quốc gia đang phát triển và chưa có nhiều chương trình tiêm chủng thú y cộng đồng. Chính vì thế tại Hoa Kỳ với quy định tiêm chủng vật nuôi nghiêm ngặt hàng năm là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn.
4. Những triệu chứng nhận biết mắc bệnh than
Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh
4.1. Các triệu chứng của bệnh nhiễm qua da
- Xuất hiện vết giộp, u nhỏ và ngứa như khi bị côn trùng đốt.
- Sưng nhẹ xung quanh miệng vết thương và sưng tấy khi bệnh khởi phát đỉnh điểm.
- Vết thương xuất hiện trên da có xuất hiện màu đen bên trong tâm vết thương sau khi giảm các vết rộp, u nhỏ
4.2. Các triệu chứng của bệnh nhiễm qua đường hô hấp
- Sốt và ớn lạnh.
- Khó chịu ở ngực và có cảm giác khó thở.
- Ho khan, nhói ngực mỗi khi ho
- Buồn nôn, nôn mửa, hay đau bụng.
- Đau đầu.
- Toát mồ hôi.
- Đau mỏi toàn thân, tinh thần mệt mỏi.
4.3. Các triệu chứng của bệnh nhiễm qua đường tiêu hóa:
- Sốt và ớn lạnh.
- Sưng ở vị trí cổ hay các hạch ở cổ.
- Đau họng, đau khi nuốt.
- Giọng khàn hoặc mất giọng.
- Buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là nôn ra máu.
- Đau bụng, tiêu chảy (một số trường hợp tiêu chảy ra máu).
- Đau đầu, chóng mặt.
- Lả người, mệt mỏi.
5. Những đối tượng dễ mắc
- Những người làm việc trong quân đội thường đến những nơi thực địa có điều kiện thường xuyên sinh hoạt ngoài trời hoặc hoang dã dễ tiếp xúc với động vật hoang dã.
- Nhà nghiên cứu khoa học thường nghiên cứu về bệnh than trong phòng thí nghiệm
- Người làm việc trong các nhà máy xử lý chế phẩm từ động vật hoang dã như nhà máy len, nhà máy giết mổ động vật, nhà máy xử lý da,…
- Các nhân viên bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã.
- Các nhân viên y tế làm việc trong ngành thú y thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại động vật khác nhau.
6. Cách chẩn đoán và điều trị
6.1. Chẩn đoán bệnh
Bệnh than thường chỉ có thể phát hiện khi có triệu chứng mắc bệnh hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc bệnh than. Đối với những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh qua đường hô hấp thì cần chụp XQuang - CT ngực để đánh giá tình trạng chức năng phổi để xem có tràn dịch màng phổi hay không.
Chẩn đoán và điều trị bệnh than
Ngoài ra để chẩn đoán bệnh than chỉ có thể thực hiện bằng cách xét nghiệm máu để có chỉ số chính xác có mắc bệnh hay không. Thường xét nghiệm sẽ thực hiện:
- Đo lường các loại kháng thể và độc tố trong bệnh phẩm máu để tiến hành phân tích, loại trừ các nguyên nhân từ đó đưa ra kết quả chẩn đoán.
- Lấy mẫu trực tiếp trên vết thương có tiết dịch như phần da tổn thương, dịch tiết ra từ đường hô hấp để kiểm tra trực tiếp vi khuẩn Bacillus anthracis.
6.2. Điều trị bệnh than
Thông thường bệnh nhân mắc bệnh than thường được điều trị bằng kháng sinh qua đường uống hoặc kết hợp với đường truyền qua tĩnh mạch. Đối với phương pháp điều trị này sẽ cho hiệu quả giảm dần các triệu chứng và nồng độ vi khuẩn sau khoảng 10 ngày sử dụng kháng sinh liên tiếp.
7. Cách phòng ngừa
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh than nên ngoài điều trị kháng sinh khi mắc bệnh thì các viện khoa học, y học thế giới cũng đã điều chế ra các loại vắc xin phòng bệnh. Những người làm việc trong khu vực, lĩnh vực có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ được hỗ trợ tiêm vắc xin hàng năm để đảm bảo sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh than nhờ vaccine
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh thì nên lưu ý thêm một số thói quen hàng ngày như:
- Giữ vệ sinh và rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với động vật.
- Hạn chế sử dụng các loại thịt động vật hoang dã chưa qua chế biến hoặc chưa được nấu chín kỹ.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc tại các khu vực có nguy cơ cao chứa nhiều mầm bệnh.
- Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thực hiện kiểm tra và điều trị sớm nhất.