Bệnh tay chân miệng ở Vĩnh Long tăng gần 50% so với cùng kỳ

HOÀNG LỘC| 17/10/2023 20:15

Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay tăng gần 500 ca so với cùng kỳ năm 2022, nhiều người dân lo sợ bệnh sẽ lây lan diện rộng.

Ông M.K.H (ở huyện Vũng Liêm) cho biết, con ông là bé M.H.T (sinh năm 2020) đang dần hồi phục sau 5 ngày điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

“Mới 3 tuổi cháu không đi học, không đi chơi vẫn mắc bệnh tay chân miệng, nguyên nhân có thể là do các cháu trong xóm đến nhà vào dịp cuối tuần, trong đó có 1 bé phát bệnh trước con tôi 2 ngày”, ông H cho biết thêm.

Trường hợp em N.H.M (sinh năm 2018, ở huyện Mang Thít) phải nhập viện để điều trị khó thở, nhịp tim đập nhiều từ ngày 14.10. Hiện bé M đã khỏe nhiều sắp được xuất viện, bà L.K.V mẹ bé M cho biết.

Theo bà V, qua tìm hiểu được biết, tại điểm giữ trẻ ở huyện Mang Thít - nơi gửi bé M - có bé khác từng mắc bệnh tay chân miệng vài ngày trước khi bé M phát bệnh.

“Ờ nhà cháu được tắm, rửa, vệ sinh sạch sẽ, thoa các loại dầu ngừa côn trùng cắn đốt. Nhưng khi tiếp xúc với bé bị bệnh thì vẫn không tránh khỏi", bà V cho biết thêm.

Nhiều người lo lắng bệnh tay chân miệng có thể lây lan diện rộng nếu không được phòng ngừa. Ảnh: Hoàng Lộc
Nhiều người lo lắng bệnh tay chân miệng có thể lây lan diện rộng nếu không được phòng ngừa. Ảnh: Hoàng Lộc

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long - cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ đầu năm 2023 đến nay là 1.500 ca, tăng 500 ca so với cùng kỳ 2022.

“Để phòng ngừa số ca bệnh tay chân miệng tăng trên diện rộng, Sở Y tế chỉ đạo y tế các cấp làm tốt công tác phối hợp các địa phương thực hiện tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin, phòng ngừa bệnh đúng cách, góp phần kéo giảm tình hình lây lan dịch bệnh nhiều nơi”, ông Hai cho biết thêm.

Ngày 17.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bác sĩ CKII Trần Chí Công - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long - thông tin, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Năm 2023, bệnh tay chân miệng có độ nặng nhiều hơn do chủng EV 71.

Theo bác sĩ Công, chủng EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Công khuyến cáo phụ huynh không nên lo lắng quá mức nhưng cũng không được chủ quan lơ là. Khi trẻ bị tay chân miệng nhẹ (độ 1) thì điều trị ngoại trú và theo dõi các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay như sốt cao, nôn ói, ngủ giật mình, chới với, đi loạng choạng, khó thở, tím tái.

"Tay chân miệng từ độ 2 trở lên phải nhập viện điều trị. Hiện thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng như Gammaglobulin, Phenobarbital, Milrinone, Dobutamin… đã được chuẩn bị đầy đủ, phụ huynh không nên quá lo lắng", bác sĩ Trần Chí Công cho biết thêm.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bệnh tay chân miệng ở Vĩnh Long tăng gần 50% so với cùng kỳ
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO