Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Phú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với nguy cơ bùng phát dịch cao, bệnh này dễ lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần.
Ước tính, sau khi tiếp xúc với người bị sởi, tỷ lệ bị lây nhiễm bệnh lên đến 90% ở những người chưa tiêm vaccine. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi người mang mầm bệnh bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ họng, niêm mạc mũi khi người bệnh nôn, khạc nhổ. Vì vậy, sởi rất dễ lây lan và bùng phát ở khi ở cùng một không gian đông đúc như trường học, ký túc xá, khu công nghiệp, khu vui chơi.
Virus sởi có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài khoảng 2 giờ, bám vào các bề mặt thường được tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, ly, chén, đồ chơi. Trẻ có thể nhiễm bệnh sởi gián tiếp khi vô tình chạm vào những bề mặt nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Sự lây lan của virus sởi bắt đầu trước khi bệnh gây biến chứng khoảng 4 ngày và kéo dài đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa bệnh sởi và có các biện pháp kiểm soát lây nhiễm hiệu quả.
Phần lớn các trường hợp trẻ mắc bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà. Nếu trẻ bị sởi đang trong độ tuổi đến trường, nhà trẻ, bố mẹ nên thông báo cho giáo viên và cho trẻ nghỉ học trong thời gian này nhằm hạn chế lây nhiễm cho những trẻ khác, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với anh/chị/em trong nhà (nếu có).
Chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà, bố mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng nhằm có xử trí phù hợp, tránh để bệnh trở nặng gây biến chứng. Khi phát bệnh sởi, trẻ thường sẽ có biểu hiện sốt. Nếu sốt nhẹ, bố mẹ hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp không dùng thuốc như lau người với nước ấm, chườm mát, uống nhiều nước. Trẻ sốt cao, bố mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt (Acetaminophen hoặc Ibuprofen) theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ vẫn không hạ sốt dù đã dùng thuốc, bé cần được thăm khám với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn trong không gian thoáng mát, sạch sẽ, vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ cần được ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giàu năng lượng, vitamin và khoáng chất để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên chia nhỏ cữ bú, cho trẻ bú thường xuyên để đảm bảo trẻ được bổ sung đủ nước và dinh dưỡng. Trẻ trong giai đoạn ăn dặm, mẹ ưu tiên chọn những thực phẩm bổ sung nhiều dinh dưỡng và năng lượng, mềm, dễ tiêu hóa cho trẻ.