Bệnh nhân ung thư phải thức đêm để xạ trị vì Bệnh viện K thiếu máy móc

Thùy Linh| 14/11/2022 19:28

Theo Giám đốc Bệnh viện K, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân ung thư phải thức cả đêm xạ trị.

Bệnh nhân ung thư phải thức đêm để xạ trị vì Bệnh viện K thiếu máy móc
Các bác sĩ Bệnh viện K vận hành máy xạ hình xương toàn thân. Ảnh: Thùy Linh

Ngày 14.11, chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Bệnh viện K đang gặp khó khăn lớn về tài chính.

Theo đó, Bệnh viện K, cùng với Bệnh viện Bạch Mai, là hai bệnh viện hai năm qua thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Tuy nhiên, những khó khăn bủa vây khiến cả hai bệnh viện lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ chi thường xuyên theo nhóm hai Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ.

Giám đốc Bệnh viện K cho biết, cơ chế tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế cũ, có điều kiện thu hút nhân sự và chủ động đầu tư phát triển y tế, ngoài ra lãnh đạo bệnh viện "nhiều tiền và nhiều quyền hơn".

Tuy nhiên, các thách thức bệnh viện phải đối mặt cũng rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân. Về phía người bệnh, họ phải trả chi phí điều trị cao hơn.

"Thực tế, dù tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông, hiện số bệnh nhân tăng 30-40% so với trước dịch là bệnh viện đã quá tải, tuy nhiên nguồn thu giảm 1/3 so với trước", ông Quảng nói.

Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính. Bệnh viện đang xây dựng lại bệnh viện K cơ sở 1, ở giai đoạn xây thô, nếu hoàn thiện cần 1.020 tỉ đồng.

"Nếu tự chủ, chúng tôi không thể lo được nguồn vốn này", ông Quảng nói.

Theo Giám đốc Bệnh viện K, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân thức cả đêm xạ trị.

Hiện nay, bệnh viện cần khoảng 10 máy xạ trị nữa, giá một máy 130 tỉ đồng, nên để đầu tư thì cần rất nhiều tiền, bệnh viện không thể lo nổi.

"Chúng tôi mong nhà nước đầu tư 3-5 năm nữa, sau đó chúng tôi chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn hiện tại chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60 thì phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này"- ông Quảng nói.

Lãnh đạo Bệnh viện K (ngồi giữa), lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia trong cuộc tọa đàm về tự chủ bệnh viện. Ảnh: Theo VGP
Lãnh đạo Bệnh viện K (ngồi giữa), lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia trong cuộc tọa đàm về tự chủ bệnh viện. Ảnh: Theo VGP

Trước đó, tháng 8.2022, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K lần lượt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện do những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện theo Nghị quyết 33, đề nghị tiếp tục tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60.

Nghị định 60 chia các đơn vị sự nghiệp công lập thành 4 nhóm tự chủ, gồm: Nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Thực tế, trong quá trình thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, Bệnh viện K không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vay và huy động vốn nên đơn vị không dám thực hiện.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, nguồn thu sụt giảm mạnh, đơn vị kiệt quệ tài chính, không có ngân sách mua sắm máy móc mới dù đang thiếu trầm trọng, cán bộ nhân viên y tế bỏ việc, cơ sở vật chất xuống cấp cũng không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hay xây mới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhân ung thư phải thức đêm để xạ trị vì Bệnh viện K thiếu máy móc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO