Theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỷ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị.
U lympho không Hodgkin là nhóm bệnh ác tính của mô lympho, có thể biểu hiện tại hạch hoặc ngoài hạch. Về cơ bản, u lympho không Hodgkin được chia thành 2 nhóm: Tế bào B và tế bào T. Mỗi nhóm lại bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau.
Cho đến nay nguyên nhân sinh bệnh vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Các nhà khoa học chỉ đưa ra một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh u lympho không Hodgkin như:
+ Tổn thương gen;
+ Yếu tố nhiễm khuẩn: HIV, EBV, HTLV-1, HHV8…;
+ Yếu tố miễn dịch: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải HIV/AIDS, sau ghép tạng…;
+ Bệnh lý tự miễn;
+ Môi trường: Thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…
Người bệnh nên ăn uống, sinh hoạt thế nào?
Trong giai đoạn bị bệnh, người bệnh cần hạn chế vận động nặng, ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư hạch.
Rất nhiều người nhà người bệnh băn khoăn về việc có nên sử dụng thêm thực phẩm bổ dưỡng, thuốc nam hoặc thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe cho người bệnh hay không. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong giai đoạn hóa trị liệu, các sản phẩm này chưa được chứng minh có nhiều giá trị trong việc góp phần điều trị bệnh.
Đặc biệt, nếu như không kiểm soát được nguồn gốc thuốc nam hoặc thực phẩm thì còn có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Viện Huyết học - Truyền máu TW đã gặp nhiều trường hợp người bệnh sau khi ra viện đã cắt thuốc nam để uống. Sau đó, người bệnh bị suy thận, suy gan diễn biến nặng hơn, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả điều trị.
Người bệnh có cần kiêng thực phẩm nào không?
Người bệnh không cần kiêng các thực phẩm theo quan niệm dân gian, trừ các thực phẩm mà người bệnh bị dị ứng. Lượng thực phẩm cho người bệnh nên đảm bảo đủ và không dư thừa. Trên thực tế, quá trình truyền hóa chất có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh như: chán ăn, buồn nôn, đau miệng, tiêu chảy/táo bón… Các triệu chứng có thể thay đổi theo từng ngày, hoặc theo từng đợt điều trị vì vậy nên thực hiện theo tư vấn của nhóm điều trị (bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và tư vấn viên khoa dinh dưỡng) để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
Như vậy, điều quan trọng nhất là người bệnh cần tuân thủ điều trị, có chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi điều trị hóa chất, người bệnh có thể tập luyện vừa sức, phù hợp với sức khỏe.