Bệnh nhân ung thư giai đoạn 3, cắt 2/3 lưỡi vẫn sống khỏe 10 năm nay

Thùy Linh| 25/03/2022 21:27

Bệnh nhân N.A.T đã từng đối diện với sự đau đớn, thậm chí là cái chết vì không thể ăn trong thời gian dài. Khi phát hiện bị ung thư lưỡi- sàn miệng giai đoạn 3, bà và cả gia đình đã tuyệt vọng. Năm 2014, bà T phải phẫu thuật cắt bỏ 2/3 lưỡi để giữ tính mạng.

Bệnh nhân ung thư giai đoạn 3, cắt 2/3 lưỡi vẫn sống khỏe 10 năm nay
Đối với các ca bệnh phức tạp, các bác sĩ sẽ được hội chẩn trước mổ với các Giáo sư đầu ngành để đưa ra phương án phẫu thuật tốt nhất. Ảnh: BSCC

Áp dụng kỹ thuật cao, cứu nhiều ca bệnh khó

Theo các bác sĩ, thông thường, sau khi trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ 2/3 lưỡi, chức năng nhai, nói của bệnh nhân T sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng đến nay, bệnh nhân vẫn sống khỏe, nói tốt, chức năng nhai ổn định. Việc bà T chữa khỏi ung thư và sống khỏe gần chục năm qua, đối với bà T và gia đình là một kỳ tích. 

Đây là một trong nhiều ca bệnh lâm sàng rất đặc biệt được báo cáo tại Hội nghị Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, diễn ra trong 2 ngày (24- 25.3.2022).

Các chuyên gia Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã phẫu thuật cho nhiều trường hợp mắc khối u lành tính nhưng phát triển lớn hay những bệnh nhân ung thư với khối u ác tính có chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung- Khoa Phẫu thuật, Tạo hình Hàm mặt cho biết: Những khối u lành tính thường phát triển âm thầm, vì vậy người bệnh ít chú ý đến, cho tới khi khối u phát triển lớn, gây phá hủy xương hàm, lúc đó bệnh nhân mới đi khám và điều trị. Tiêu biểu là u xơ xương, u nguyên bào men... Có những khối u loại này đã phá hủy phần lớn hoặc toàn bộ vùng xương hàm dưới của bệnh nhân. Các bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật khối u kèm theo cắt đoạn xương hàm dưới, tránh việc khối u sẽ tái phát.

"Đối với các trường hợp như vậy, cần thiết là phải có kế hoạch phẫu thuật tốt để nạo vét khối u, tránh tái phát, cũng như kế hoạch phục hồi các bộ phận cắt bỏ để không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau phẫu thuật"- bác sĩ Nhung nói.

Các bác sĩ trẻ của BV Răng Hàm Mặt Trung ương HN phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ trẻ của BV Răng Hàm Mặt Trung ương HN phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Sau phẫu thuật cắt u hàm mặt thường sẽ để lại khuyết hổng rất lớn, phức tạp, thường chứa đựng nhiều tổ chức bộ phận khác nhau mà các phương pháp tạo hình kinh điển không đáp ứng được. Từ 2012, bệnh viện đã sử dụng các vạt tự do như vạt xương mác để tái tạo lại các khuyết hổng tổ chức lớn vùng hàm mặt, cứu sống nhiều ca bệnh khó.

Đơn cử, một bệnh nhân u men xương hàm dưới, khối u phát triển lớn, phá hủy xương hàm dưới, gây cho bệnh nhân biến dạng khuôn mặt, đau đớn vùng mang u. 

Các bác sĩ đã sử dụng phương án thiết kế dựa trên hình ảnh 3D, dựng xương hàm của bệnh nhân, lên kế hoạch phẫu thuật, tạo hình vạt xương mác theo đúng đoạn xương hàm cắt bỏ. Sau đó xương mác được đưa lên, nối mạch máu vi phẫu, đưa vào ổ nhận. Sau 3 tháng, khuôn mặt của bệnh nhân đã trở lại bình thường, không còn đau đớn nữa.

Một bệnh nhân khác u men xương hàm dưới với kích thước rất lớn, phá hủy toàn bộ xương hàm dưới của bệnh nhân. Nhờ kỹ thuật ghép đoạn xương hàm, vi phẫu nối mạch máu, bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công, nhanh hồi phục và chất lượng cuộc sống không bị ảnh hưởng.

Các bác sĩ trẻ đảm đương nhiều ca phẫu thuật khó

PGS.TS Trần Cao Bính- Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho biết bệnh viện rất chú trọng đào tạo, tạo điều kiện phát triển lực lượng thầy thuốc trẻ của bệnh viện trong mọi hoạt động từ chuyên môn, nghiên cứu khoa học đến các hoạt động xã hội. Các bác sĩ trẻ với tay nghề cao, đã đảm đương nhiều ca phẫu thuật khó của bệnh viện. 

PGS.TS Trần Cao Bính- Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
PGS.TS Trần Cao Bính- Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Những bài báo cáo khoa học, giàu chất xám và sự sáng tạo, đặc biệt cụ thể bằng những ca bệnh lâm sàng được điều trị thành công, là minh chứng cho thấy hoạt động chuyên môn thực tế hàng ngày đã giúp ích cho các thầy thuốc trẻ rất nhiều trong nghiên cứu khoa học.

“Đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua, lực lượng thầy thuốc trẻ đã phát huy được vai trò nòng cốt của mình trong các hoạt động phòng chống dịch không chỉ riêng tại bệnh viện mà còn ở ngoài cộng đồng”- PGS Bính nói.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/benh-nhan-ung-thu-giai-doan-3-cat-23-luoi-van-song-khoe-10-nam-nay-1026940.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/benh-nhan-ung-thu-giai-doan-3-cat-23-luoi-van-song-khoe-10-nam-nay-1026940.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhân ung thư giai đoạn 3, cắt 2/3 lưỡi vẫn sống khỏe 10 năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO